Hội shipper “ngập mặt” trong đơn hàng Tết: "Không đình công nhưng đã quá tải..."
Các shipper giao hàng đang phải làm việc cật lực những ngày cận Tết Nguyên đán.
Tết Nguyên đán được coi là dịp cao điểm trong lĩnh vực kinh doanh online cũng như vận chuyển hàng hóa. Lúc này, nhu cầu sắm sửa của người dân tăng đột biến, đòi hỏi các đơn vị liên quan phải làm việc hết công suất cả ngày lẫn đêm. Nếu chủ kinh doanh online phải thức trắng để đóng đơn, thì hội shipper cũng đang ''ngập mặt'' với số lượng đơn hàng ''khủng'' cần được giao đến tay khách hàng khắp nơi trên toàn quốc.
Dù đã quen với công việc vận chuyển hàng hóa, nhưng nhiều shipper vẫn không kịp trở tay khi số lượng đơn tăng mạnh, tần suất công việc cũng nhiều hơn so với ngày thường, thậm chí là các dịp siêu sale khác.
Mỗi ngày giao gần 500 đơn
Những ngày này, anh Nguyễn Sách Hoàng (35 tuổi, nhân viên giao hàng) đang phải làm việc liên tục để đáp ứng nhu cầu giao nhận của khách hàng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng cho biết mỗi ngày phải giao từ 300 - 500 đơn, dường như không có thời gian để nghỉ ngơi.
''Khoảng 1 tháng nay, số lượng hàng hóa tăng chóng mặt, mỗi ngày giao 300-500 đơn là chuyện thường. Có hôm, mình chạy xe cả ngày không kịp nghỉ. Nhu cầu mua sắm Tết của người tiêu dùng tăng cao, shipper cũng phải làm việc không ngừng nghỉ. Dù vất vả nhưng chúng tôi đang làm việc hết mình để mong cả người mua người bán đều được việc. Tuy nhiên cũng rất mong khách hàng chú ý nghe điện thoại để không xảy ra tình trạng hoàn đơn trả về. Cực kỳ mất thời gian.'' - Anh Hoàng chia sẻ.
Hiện nay MXH đang xôn xao thông tin nhiều nhân viên công ty vận chuyển đình công dịp Tết Nguyên đán. Khi được hỏi, anh Hoàng thẳng thắn tiết lộ về tình trạng công việc của mình: Các đơn vị khác thì không biết, nhưng riêng công ty tôi vẫn hoạt động bình thường, không có chuyện đình công nhưng đúng là có quá tải. Anh em mỗi ngày đều động viên nhau. Bản thân tôi cũng cố gắng làm việc để mong có thu nhập tốt trong mùa Tết này.
Chật vật vì khách ''bom hàng'' Tết quá nhiều
Cũng giống như anh Nguyễn Sách Hoàng, anh Uông Văn Kỳ (33 tuổi, nhân viên giao hàng) tại Triều Khúc (Thanh Xuân, HN) cho biết số lượng đơn dịp Tết Nguyên đán là ''khủng'' nhất và cũng là nỗi ám ảnh của nhân viên giao hàng. Lý do là bởi có rất nhiều khách ''bom hàng'', gọi đến 10 cuộc nhất định không nghe máy.
''Đến Tết nhiều đơn là chuyện như cơm bữa, dù mệt nhưng vẫn vui vì có đơn thì có tiền. Nhưng mà khổ nhất là gặp phải khách ''bom hàng''. Không hiểu sao cứ đợt này thì khách bùng cực kỳ nhiều, gọi điện chuông vẫn reo nhưng nhất định không chịu nghe máy. Ngày mình giao khoảng 200 đơn thì phải đến 20 đơn khách không nhận. Nói thật là gặp cảnh bom hàng không chỉ chủ shop buồn đâu, mà bọn mình cũng mệt mỏi lắm.'' - Anh Kỳ chia sẻ.
Theo đó, số lượng đơn cần giao trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán thường lên đến hàng trăm đơn. Việc khách ''bom hàng'' không chỉ ảnh hưởng tới quá trình lưu thông hàng hóa, mà còn tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức của shipper. Giống như nhiều nhân viên giao hàng khác, anh Kỳ cũng hy vọng không gặp phải khách ''bùng hàng'' để có thể sớm hoàn thành công việc của một ngày.
''Đâu phải cứ giao hàng xong là xong. Ngày nào giao xong hàng về, mình đều phải thống kê lại toàn bộ đơn giao. Đơn được giao thành công thì không sao, đơn nào không có khách nhận lại phải ghi chép để báo shop và hoàn hàng. Nói chung rất mất thời gian và mệt mỏi.''
Số lượng đơn hàng dịp Tết rất lớn, vì vậy việc trì hoãn hay ''bom hàng'' ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình công việc của các đơn vị giao hàng. Do đó, để tránh tình trạng giao hàng muộn, nhiều đơn vị vận chuyển khuyến khích khách hàng đặt sớm trước ngày ngừng nhận hàng nghỉ Tết. Bên cạnh đó, khách hàng nên chú ý theo dõi tình trạng đơn hàng của mình trên các ứng dụng sàn TMĐT hoặc email cá nhân, đồng thời nhận đúng đơn hàng đã đặt để không làm ảnh hưởng đến các đơn vị liên quan.
Phụ nữ số