MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hôm nay (12/7), một ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm, mức điều chỉnh cao nhất lên tới 0,7%/năm

12-07-2024 - 10:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng này tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn chính, trong đó điều chỉnh mạnh nhất ở các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng.

Hôm nay (12/7), một ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm, mức điều chỉnh cao nhất lên tới 0,7%/năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày hôm nay (12/7), với việc điều chỉnh tăng mạnh suất huy động tại tất cả kỳ hạn chính.

Theo Biểu lãi suất huy động trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân - sản phẩm có lãi suất cao nhất tại Kienlongbank, lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng tăng 0,7%/năm lên 3,7%/năm. Đây là một trong những mức tăng lãi suất mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng được tăng thêm 0,5%/năm, lên 5,2%/năm. Kienlongbank cũng tăng mạnh 0,6%/năm đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng lên mức 5,3%/năm.

Lãi suất các kỳ hạn 12-15 tháng cũng đồng loạt tăng thêm 0,4-0,6%/năm, lên mức 5,6%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất các kỳ hạn 18-36 tháng chỉ tăng nhẹ 0,1%/năm, được niêm yết ở mức 5,7%/năm.

Hôm nay (12/7), một ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm, mức điều chỉnh cao nhất lên tới 0,7%/năm- Ảnh 2.

Cùng với tiền gửi trực tuyến, Kienlongbank cũng tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn đối với hình thức gửi tiền tại quầy. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 – 4 tháng tăng từ lên 3,1%/năm, kỳ hạn 5 tháng tăng từ 3%/năm lên 3,3%/năm, kỳ hạn 6 – 8 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 4,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng từ 4,8%/năm lên 4,9%/năm, kỳ hạn 10 – 11 tháng tăng từ 5%/năm lên 5,1%/năm, kỳ hạn 12 – 15 tháng tăng từ 4,8 – 5,0%/năm lên 5,2%/năm,

Trong khi đó, Kienlongbank giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 17 – 36 tháng ở mức 5,3%/năm, kỳ hạn 60 tháng cũng duy trì tại 5,4%/năm.

Hôm nay (12/7), một ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm, mức điều chỉnh cao nhất lên tới 0,7%/năm- Ảnh 3.

Sau khi giảm xuống vùng thấp lịch sử, lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6.

Riêng trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận khoảng 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động với nhiều nhà băng điều chỉnh lãi suất 2 – 3 lần. Và ngay đầu tháng 7, một loạt ngân hàng cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động như Eximbank, NCB, SeABank, BaoVietBank, Saigonbank và mới nhất là Kienlongbank. Đáng chú ý, có nhà băng đã tăng lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng lên mức 4,7%/năm, tiệm cận với trần lãi suất 4,75%/năm do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động đến từ việc thiếu hụt thanh khoản trên thị trường do những động thái can thiệp ổn định tỷ giá của NHNN.

KBSV cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 0,7 – 1,0 điểm % từ nay cho tới cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021 do áp lực từ tỷ giá và cầu tín dụng hồi phục.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên dự báo về tỷ giá và tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, VDSC cho rằng mức tăng sẽ không đột biến như 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau. Năm 2024 còn thiếu những nhân tố gây "shock" về cầu tín dụng và sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ như năm 2022 để gây ra sự đột biến về mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, áp lực rút ròng ngoại tệ sẽ dịu lại đáng kể nếu có thêm hiệu ứng "hội tụ" về lãi suất (FED giảm lãi suất trong khi NHNN tăng lãi suất trong nửa cuối năm). 

Vì vậy, VDSC cho rằng mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 0,5 – 1,0 điểm % để trở về mức trung bình trước dịch là một kịch bản hợp lý.

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên