MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hôm nay 26/3, Agribank và VietinBank cùng đón sinh nhật tuổi 35: Những điều ít biết về hai "ông lớn" ngân hàng khi mới thành lập

26-03-2023 - 20:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Hôm nay 26/3, Agribank và VietinBank cùng đón sinh nhật tuổi 35: Những điều ít biết về hai "ông lớn" ngân hàng khi mới thành lập

26/3/2023 cùng là ngày kỷ niệm 35 năm thành lập của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - hai “anh cả” của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Cách đây 35 năm, VietinBank và Agribank cùng được ra đời theo Nghị định số 53/NĐ-HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Agribank đi vào hoạt động ngày 01/07/1988 trên phạm vi cả nước trong khi VietinBank cũng chính thức bắt đầu hoạt động từ ngày 08/07/1988.

Agribank xuất phát điểm với tài sản chưa đầy 1.500 tỷ đồng

Khi mới thành lập, Agribank có tên là Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Việt Nam. Ban đầu, tổng tài sản Agribank chưa tới 1.500 tỷ đồng; tổng nguồn vốn 1.056 tỷ đồng, trong đó vốn huy động chỉ chiếm 42%, còn lại 58% phải vay từ Ngân hàng Nhà nước; tỷ lệ nợ xấu trên 10%; khách hàng chủ yếu là những doanh nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã phần lớn làm ăn thua lỗ, thiếu việc làm và luôn đứng trước nguy cơ phá sản... Tuy nhiên, vượt lên tất cả, Agribank từng bước khắc phục khó khăn, đi lên và lớn mạnh.

Năm 1990, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Năm 1991, Agribank bắt đầu triển khai cho vay kinh tế hộ trên diện rộng theo Chỉ thị số 202/CT ngày 28/6/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Với việc đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hoạt động theo mô hình Tổng công ty (từ cuối năm 1996 đến nay), hoạt động của Agribank có sự thay đổi rõ rệt.

Hiện nay Agribank đang cho vay theo Nghị định số 55 ngày 09/6/2015 nay là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng cũng đang triển khai các chương trình tín dụng chính sách và chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Tổng dư nợ của Agribank đến cuối tháng 02/2023 là 904,589 tỷ đồng với gần 2,8 triệu khách hàng.

Agribank là ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Dư nợ cho lĩnh vực này luôn chiếm 65-70% trong tổng dư nợ tín dụng của nhà băng này. Bởi vậy, khi nhắc đến "ngân hàng của nhà nông", người ta sẽ nghĩ ngay đến cái tên Agribank.

Vốn chủ sở hữu VietinBank ban đầu chỉ có 22 tỷ đồng

VietinBank có tên ban đầu là Ngân hàng Công Thương Việt Nam, được hình thành trên cơ sở nhân sự và chức năng nhiệm vụ của Vụ Tín dụng Công nghiệp và Vụ Tín dụng Thương nghiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cùng các phòng Tín dụng Công nghiệp và Thương nghiệp thuộc các Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, thị xã.

Với số vốn chủ sở hữu từ những ngày đầu thành lập vỏn vẹn chỉ có 22 tỷ đồng, đến nay VietinBank đã đạt trên 108.300 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (tăng hơn 4.900 lần), trong đó vốn điều lệ là 48.058 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng tài sản của VietinBank cũng tăng từ 718 tỷ đồng (1988) lên đến hơn 1.809.000 tỷ đồng (2022).

Ban đầu, cả hệ thống VietinBank chỉ có 11.380 cán bộ, nhân viên với mạng lưới gồm Hội sở chính ở Hà Nội (chưa tới 100 người), 32 chi nhánh (CN) cấp I và 42 CN cấp II (ngoài ra còn có 23 phòng giao dịch (PGD) và 502 quỹ tiết kiệm).

Đến nay, toàn hệ thống đã có gần 25.119 cán bộ, nhân viên làm việc ở Trụ sở chính, 2 Văn phòng Đại diện, 8 đơn vị sự nghiệp, 157 CN cùng gần 957 PGD.

Mạng lưới hoạt động của VietinBank không chỉ có ở trong nước mà VietinBank đã thành lập NH 100% vốn tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đặt 2 CN tại Cộng hòa Liên bang Đức và lập Văn phòng Đại diện tại Cộng hòa Liên bang Myanmar. Ngoài ra, VietinBank còn tham gia góp vốn vào Ngân hàng liên doanh IndovinaBank (NH liên doanh hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam) và có một số công ty trực thuộc.

Sau khi cổ phần hóa từ năm 2009, VietinBank đã xây dựng được quan hệ hợp tác với hai cổ đông chiến lược là The Bank of Tokyo Mitsubishi-UFJ, Ltd. (BTMU) của Nhật Bản và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Nhờ sự tham gia về mặt tài chính và kinh nghiệm về công tác quản lý của hai cổ đông chiến lược này mà nhiều mặt hoạt động nghiệp vụ trong nước và uy tín của VietinBank trên trường quốc tế đã nâng cao rõ rệt.

Báo cáo tài chính quý IV năm 2022 của VietinBank cho biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng đạt 21.133 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.

Quy mô tổng tài sản hợp nhất tại ngày 31/12/2022 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 18,1% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt gần 1,25 triệu tỷ đồng, tăng 7,5%.

Quang Hưng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên