Hôm nay, ECB sẽ công bố gói kích thích mới
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ công bố các biện pháp kích thích mới vào hôm nay (10/12), nhằm hỗ trợ khối đồng tiền chung bị ảnh hưởng bởi suy thoái, chương trình sẽ kéo dài cho đến khi vắc-xin COVID-19 được triển khai và nền kinh tế khu vực bắt đầu hồi phục.
- 28-11-2020ECB cảnh báo các đồng tiền kỹ thuật số có thể phá vỡ hệ thống tài chính châu Âu
- 27-05-2020Các gói cứu trợ khổng lồ khiến ECB quan ngại về khả năng trả nợ của Eurozone
Với các biện pháp hỗ trợ mới đã được hứa hẹn, chỉ còn thông tin chi tiết của gói kích thích là chưa được công bố. Nhưng điểm mấu chốt của hành động chính sách lần này đã rõ ràng, đó là: chi phí đi vay sẽ được giữ ở mức gần 0 trong nhiều năm để các chính phủ và các doanh nghiệp có thể chi tiêu theo nhu cầu cho đến lúc thoát khỏi cuộc suy thoái lớn nhất trong lịch sử.
Thách thức của ECB sẽ là cân bằng một loạt các rủi ro ngắn hạn - vấn đề đang ngày càng gia tăng - với việc cải thiện triển vọng dài hạn, vì vậy có thể cho rằng động thái của ECB sẽ lớn nhưng không "gây sốc" so với các biện pháp chống khủng hoảng trước đó.
"Với những tin tức tích cực về phát triển vắc-xin, châu Âu hiện đang bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm", cơ quan phân tích và dự báo Oxford Economics cho biết trong một bản tin. "Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn vẫn còn vô cùng thách thức, với GDP của khu vực đồng tiền chung euro có thể sẽ giảm trong quý IV".
Hiện tại, khu vực đồng euro gồm 19 quốc gia đang phải đối mặt với ba cú sốc: làn sóng COVID-19 thứ hai kéo dài, viễn cảnh Brexit không thỏa thuận, và bế tắc chính trị đối với việc triển khai quỹ phục hồi 750 tỷ euro (908 tỷ USD) của Liên minh châu Âu.
Nhưng cả ba vấn đề trên đều được coi là những cú sốc tạm thời, với xung đột chính trị có thể sẽ được giải quyết và đại dịch sẽ dịu đi vào mùa xuân, khiến ECB chỉ phải đứng trước nhiệm vụ đưa khối vượt qua một mùa đông khó khăn trước mắt.
Trên thực tế, nền kinh tế khu vực cũng phục hồi nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên sau giai đoạn phong tỏa diện rộng vì COVID-19 đầu tiên, cho thấy khả năng phục hồi cao hơn so với những gì được dự báo theo các mô hình kinh tế.
Do đó, những dự báo mới có thể chỉ ra rằng, tăng trưởng sẽ thấp hơn vào năm 2021 nhưng triển vọng tốt hơn vào năm 2022, khiến con đường tăng trưởng tổng thể ít thay đổi.
Nhiều giải pháp giống với trước đây
Trong nhiều tuần trước cuộc họp diễn ra ngày hôm nay, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nói rõ ràng rằng chương trình mua tài sản khẩn cấp vì đại dịch (PEPP) sẽ có quy mô lớn hơn và các khoản vay dài hạn sẽ được ngân hàng trung ương trợ cấp nhiều hơn cho các ngân hàng thương mại, và đó là các biện pháp xương sống của giải pháp chính sách lần này, ngay cả khi các động thái khác cũng khả thi.
Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự đoán chương trình PEPP trị giá 1,35 nghìn tỷ euro sẽ được mở rộng thêm ít nhất 500 tỷ euro và thời hạn của nó kéo dài thêm sáu tháng đến cuối năm 2022, với khả năng nghiêng về việc có thể mở rộng quy mô lớn hơn và thời hạn dài hơn.
Các thành viên hội đồng quản trị ECB là Philip Lane và Isabel Schnabel cũng cho biết, nhiệm vụ của ECB là duy trì chi phí đi vay ở mức hiện tại lâu hơn nữa, thay vì hạ thấp hơn nữa.
Việc lạm phát khó gia tăng cũng hỗ trợ cho ý tưởng duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài hơn, với các dự báo mới đây của ECB cho thấy mức tăng giá chung sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu gần 2% của ngân hàng trung ương này ngay cả trong năm 2023 - năm thứ 11 liên tiếp lạm phát không vượt qua mục tiêu.
"Các công cụ ECB đưa ra có thể là hiệu quả nhất trong việc xoa dịu thị trường đang đối mặt khủng hoảng và duy trì các điều kiện tiếp cận tài chính rất dễ dàng, với lập trường "lãi suất thấp trong thời gian rất dài", Greg Fuzesi, nhà kinh tế của JPMorgan, nói. "Nhưng, khi chính sách tiền tệ đã được đưa ra rất nhiều, nó có vẻ bị hạn chế hiệu ứng hơn khi cố tạo thêm động lực cho nền kinh tế và thúc đẩy lạm phát tiến gần tới mục tiêu".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại rằng việc ứng xử với đại dịch còn tùy thuộc vào các chính phủ thành viên, và việc của ECB chỉ là làm cho nguồn tài trợ trở nên dễ dàng để tiếp cận.
"Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là đảm bảo rằng các khoản tài chính này dễ tiếp cận với mọi người vào thời điểm họ đang cần đến", thống đốc ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau nói mới đây.
Những bình luận đó dường như loại trừ việc đổi mới chính sách và cho thấy ECB sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ đã được thử nghiệm và triển khai thành công.
Trong số đó bao gồm cung cấp thanh khoản dài hạn cho các ngân hàng thương mại và ECB có khả năng sẽ lên lịch đấu thầu nhiều hơn và có thể kéo dài kỳ hạn khi lãi suất cho vay -1% được áp dụng.
ECB cũng có thể xem xét việc cho các ngân hàng thương mại được miễn lãi suất tiền gửi âm và thậm chí có thể mở rộng chương trình mua tài sản, nhưng việc cắt giảm lãi suất được cho là rất khó xảy ra.
ECB sẽ công bố quyết định chính sách của mình lúc 19h45 tối nay theo giờ Việt Nam, sau đó là cuộc họp báo của bà Lagarde lúc 20h30.
Thời báo ngân hàng