Hơn 1 triệu tấn thịt, 11 tỷ quả trứng sẵn sàng cung ứng phục vụ Tết
“Hiện các nguồn cung thịt và sản phẩm trứng gia cầm dự trữ rất dồi dào, đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ phục vụ nhu cầu nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2017.”
- 04-11-201617.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa dịp tết Đinh Dậu
- 20-02-2016Giá cả hàng hóa sau Tết vẫn cao
- 11-01-2016Hàng chục nghìn tỉ đồng bảo đảm hàng hóa dịp Tết
Đó là khẳng định của ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tại cuộc gặp mặt báo chí do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 5/1, tại Hà Nội.
Nguồn cung dồi dào, giá ổn định
Ông Vân cho biết, hiện cả nước có khoảng hơn 1 triệu tấn thịt lợn dự trữ, 30.000 – 40.000 tấn sản phẩm thịt bò trong nước và nhập khẩu để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Bên cạnh đó, nguồn cung sản phẩm thịt gia cầm cũng rất dồi dào, đặc biệt là gia cầm lông màu với số lượng dự trữ khoảng 200 triệu con. Các sản phẩm trứng dự trữ với số lượng lớn khoảng 11 tỷ quả cũng đã sẵn sàng cung ứng phục vụ Tết.
Về giá cả thị trường, Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cũng đánh giá, hiện nay chưa thể xác định có sự gia tăng đột biến hay không, tuy nhiên theo diễn biến thị trường như những năm trước thì với nguồn cung này giá cả các sản phẩm thịt và trứng sẽ duy trì ở mức ổn định.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, hiện nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng khu vực phía Nam (xuất bán sang Trung Quốc) ở mức 34.000 đồng/kg; giá bán tại thị trường các tỉnh phía Nam dao động từ 37.000-38.000 đồng/kg, miền Bắc giá cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg, tùy khu vực.
“Tuy nhiên, theo quy luật của thị trường, trong các dịp Lễ, Tết sắp tới, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thì giá sẽ tăng ổn định trở lại,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nói.
Về giá thịt bò hơi xuất chuồng cả nước ổn định ở mức 70.000-80.000 đồng/kg hơi. Tại các chợ giá thịt bò ổn định, thịt bò loại một phổ biến dao động từ 250.000-270.000 đồng/kg. Thời điểm hiện tại, giá thịt bò hơi xuất chuồng bình quân khoảng 80.000 đồng/kg ở cả hai miền.
Hiện nay, giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp tại miền Nam bình quân từ 35.000-37.000 đồng/kg, gà nuôi thả vườn tại miền Bắc giá dao động từ 69.000-70.000đồng/kg. Riêng giá thịt gà ta dao động từ 100.000-115.000 đồng/kg; giá trứng gà công nghiệp dao động ở 18.000-20.000 đồng/chục quả; giá trứng vịt từ 25.000-28.000 đồng/chục quả.
Dây chuyền sản xuất trứng sạch tại công ty Ba Huân. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Theo ông Vân, nguồn cung thịt dồi dào là do năm 2016 ngành chăn nuôi tăng trưởng mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. Riêng sản phẩm thịt lợn có sự tăng trưởng đột biến, số lượng lợn nái tăng xấp xỉ 1 triệu con, tổng sản lượng thịt sản xuất ra cũng cao hơn mọi năm khoảng 1 triệu tấn. Số lượng gia cầm cũng đạt 371 triệu con, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, cao nhất trong 10 năm qua. Như vậy, hai sản phẩm chính của chăn nuôi tăng trưởng mạnh. Ngoài ra còn các đặc sản vùng miền ở các địa phương cũng đã có sự chuẩn bị để phục vụ Tết.
Liên quan tới tình hình mưa lũ ở miền Trung gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi các địa phương này, ông Vân cho biết, mưa lũ miền Trung đã làm 69.000 con gia súc gia cầm bị chết, trong đó có 3.000 – 4.000 gia súc, còn lại là gia cầm. So với tổng đàn cả nước thì số lượng thiệt hại này rất nhỏ. Tuy nhiên, thiệt hại xảy ra ở một khu vực nên ở những khu vực đó rất cần có sự điều chỉnh kịp thời của các cơ quan quản lý ở các tỉnh đó để sớm có đủ nguồn cung thịt cho bà con đón Tết.
“Hiện, ngành chăn nuôi đã có thông báo cho các địa phương biết tổng số lượng và tình hình chăn nuôi của các tỉnh, các vùng trên cơ sở đó để có sự giao thương giữa vùng này và vùng khác đồng thời điều chuyển các sản phẩm chăn nuôi sớm để bà con các vùng đặc biệt là vùng lũ lụt tiếp cận được sản phẩm với mức giá hợp lý,” ông Vân chia sẻ.
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cũng nhấn mạnh, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là một điểm nhấn rất quan trọng của ngành trong năm 2016. Tiếp nối đó năm 2017, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán các vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục thực hiện.
“Hiện, người chăn nuôi đã bắt đầu chú trọng đến an toàn thực phẩm. Qua làn sóng và công cuộc đẩy lùi, nói không với chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi được thực hiện mạnh mẽ trong năm qua đã góp phần nâng cao ý thức của người chăn nuôi,” Vị đứng đầu ngành chăn nuôi nói.
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại đã có 331.959 đối tượng tham gia ký cam kết biên bản ghi nhớ "Hợp tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm.” Trong đó số hộ/cơ sở chăn nuôi chiếm 97%, các đối tượng khác như: hộ/cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, giết mổ chiếm 3%.
Bên cạnh đó, cùng với tình hình dịch bệnh được khống chế, giá các sản phẩm chăn nuôi khá ổn định, năm 2016, việc cơ quan chức năng triệt để ngăn chặn được chất cấm và bước đầu đưa kháng sinh vào khuôn khổ quản lý được xem là bước ngoặt tạo cơ sở phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Đặc biệt, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong 6 tháng gần đây (từ tháng 7/2016-12/2016), Cục quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm.
“Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 11 tháng của năm 2016 cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm chất cấm Salbutamol là 1,27%, giảm so với cùng kỳ năm 2015 (2,53%),” ông Nguyễn Như Tiệp-Cục trưởng NAFIQAD cung cấp thêm.
Mặt khác, tiếp tục cuộc tuyên chiến với chất cấm trong chăn nuôi đã được triển khai từ năm 2015, năm nay, Cục Chăn nuôi phối hợp Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và lực lượng C49 (Bộ Công An) đã tiếp tục duy trì mạch tấn công mạnh mẽ và ngăn chặn được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Ngoài ra, dịp Tết Nguyên đán là dịp cao điểm của vấn đề an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung ráo riết trong công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh đặc biệt là các sản phẩm thịt, rau, thực phẩm.../.
Vietnam+