MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu được xử lý từ năm 2012 đến nay

31-12-2019 - 13:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong đó, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực từ tháng 8/2017, NHNN đã xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết này.

Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết ước tính đến tháng 12, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%).

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ước tính đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).

Tính trung bình từ 15/8/2017 đến tháng 12/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10.500 tỷ đồng/tháng, cao hơn 4.900 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Điều này cho thấy Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

NHNn cũng cho biết, bên cạnh đó, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững, thể hiện ở các mặt như: Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng từng bước được cải thiện, tình trạng sở hữu chéo , đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng cơ bản được kiểm soát. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên