MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 10 năm làm Giám đốc cho Tiki, Nhóm mua, Việt kiều người Pháp "không thấy có gì mới" nên khởi nghiệp, định giá công ty 10 triệu USD trên Shark Tank

12-07-2018 - 16:12 PM | Doanh nghiệp

"Em làm Marketing hơn 10 năm rồi, trước đó làm việc cho Tiki, Nhóm mua rồi Google. Mô hình đó em được làm Giám đốc, chỉ vậy thôi, không có gì mới", Trần Lâm chia sẻ lý do khởi nghiệp trên chương trình Shark Tank Việt Nam mới đây. Màn gọi vốn của Trần Lâm khiến 4 Shark lắc đầu vì anh định giá startup của mình quá cao, ở mức 10 triệu USD.

Khởi nghiệp vì hơn 10 năm làm Giám đốc Marketing cho Tiki, Nhóm mua… không thấy có gì mới

Xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam tập 2, Trần Lâm muốn gọi vốn để phát triển startup Wisepass. Lâm là Việt kiều người Pháp từng làm việc cho Google tại châu Âu. Sau đó trở về nước và đảm nhận vị trí Giám đốc Marketing của Tiki và Nhóm mua.

Wisepass là một ứng dụng công nghệ về phong cách sống, cho phép người dùng kết nối với các địa điểm ăn uống, vui chơi, giải trí chỉ bằng một cú quẹt qua hộp đen đặt tại các điểm đến. Hiện nay, Wisepass đã có mặt tại 4 thành phố (Hà Nội, Sài Gòn, BangKok, Manila) và 3 quốc gia.

Tệp khách hàng mà Wisepass hướng đến là các doanh nghiệp, chiếm 70% là nam, nằm ở độ tuổi từ 25-34.

Khi được Shark Thái Vân Linh - Giám đốc vận hành Quỹ VinaCapital hỏi về lý do khởi nghiệp , Lâm trải lòng: "Em làm Marketing hơn 10 năm rồi, trước đó làm việc cho Tiki, Nhóm mua rồi Google. Mô hình đó em được làm Giám đốc, chỉ vậy thôi, không có gì mới".

"Cho nên em muốn tìm một mô hình chưa ai tạo ra bao giờ. Khi đưa tất cả sản phẩm và dịch vụ vào trong Wisepass, nói chung là ăn uống, cà phê, vé xem phim, vé máy bay, ở căn hộ, em rất tự tin chia sẻ market size (quy mô thị trường) của Wisepass là hơn 1 tỷ USD".

Với xu hướng hạn chế dùng tiền mặt hiện nay, Trần Lâm cho biết tiềm năng thị trường của ứng dụng này là rất lớn. Chàng Việt Kiều tiết lộ tốc độ tăng trưởng của công ty trong hai năm qua nằm ở mức hơn 50% hàng quý.

Tính đến thời điểm hiện tại, Wisepass đã kết nối với các ông lớn như CGV, Starbucks. Trong đó, hợp đồng với Starbuck là hợp đồng độc quyền trong cả khu vực Đông Nam Á.

Chưa dừng ở đó, cựu Giám đốc Marketing của Tiki còn cho biết dự án của anh đã gọi vốn thành công vào tháng 9 năm ngoái với quỹ đầu tư Expara, định giá 1 triệu USD. Đầu năm nay, Wisepass lại tiếp tục thu hút thêm 3 nhà đầu tư thiên thần từ các quỹ đầu tư đến từ Singapore và Silicon Valley, nâng mức định giá công ty lên 3 triệu USD.

Đến với Shark Tank, Trần Lâm hy vọng được đầu tư 500.000 USD để đổi lấy 5% cổ phần của công ty. Tương đương định giá công ty 10 triệu USD.

Chỉ sau vài tháng đã nâng định giá công ty từ 1 triệu USD lên 10 triệu USD, Shark Hưng chất vấn có phải do "Mình thích thì mình gọi thôi"?

Hơn 10 năm làm Giám đốc cho Tiki, Nhóm mua, Việt kiều người Pháp không thấy có gì mới nên khởi nghiệp, định giá công ty 10 triệu USD trên Shark Tank - Ảnh 1.

Sở hữu mô hình khởi nghiệp đáng gờm là vậy, nhưng Trần Lâm khiến các "cá mập" nghi ngại khi nâng mức định giá từ 3 triệu USD lên đến 10 triệu USD chỉ trong vài tháng. Đây là một mức định giá khá cao, khiến Shark Hưng thậm chí phải lên tiếng: "Tại sao lại có sự khác biệt như vậy hay mình thích thì mình gọi thôi?"

Trần Lâm tự tin cho biết lý do của việc định giá ‘nhảy vọt’ nằm ở tốc độ phát triển nhanh của công ty. Thêm vào đó, với nguồn khách hàng mới đến từ 2 đối tác tầm cỡ là Citibank và Airbnb, Wisepass hoàn toàn có thể công phá thị trường trong tương lai gần.

Thế nhưng, lý do này dường như chưa đủ sức thuyết phục Shark Phú khi ông nhanh chóng tuyên bố không đầu tư.

Shark Dzung Nguyễn tiết lộ anh và Trần Lâm từng có thời gian làm việc với nhau tại Tiki. Mặc dù khá thích ý tưởng của cựu nhân viên, nhưng mô hình kinh doanh hiện tại chưa ổn định, vẫn trong quá trình làm và chỉnh sửa, cộng thêm mức định giá quá cao đã khiến Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent buộc lòng từ chối.

Cùng lý do tương tự, Shark Hưng lắc đầu vì "bạn đưa ra một định giá rất cao nên khó nói chuyện".

Chủ tịch HĐQT SAM Louis Nguyễn đưa ra 3 điểm anh thích và không thích ở Wisepass.

Một là, một công ty khởi nghiệp có nhiều nhà đầu tư rồi sẽ làm nhà đầu tư sau cảm thấy thoải mái vì nhiều người bước vào có nghĩa là họ tin vào bạn.

Nhưng đó cũng là dao 2 lưỡi, vì nếu nhà đầu tư vào rồi, họ sẽ muốn bạn giá cao hơn.

"Khi tôi hỏi câu hỏi vì sao định giá công ty từ 3 triệu USD lên 10 triệu USD trong vài tháng mà bạn không thuyết phục mạnh mẽ thì rất khó cho tôi để đầu tư", Shark Louis nói.

"Cuối cùng, tôi thông cảm là bạn là người không nói tiếng Việt gốc như tôi, nãy tôi nói buồn ngủ vì bạn nói chậm quá. Phải cố gắng nói nhanh lên, để thuyết phục nhà đầu tư là bạn có máu".

Vị Shark còn lại duy nhất của chương trình Shark Tank lại tỏ ra hứng thú với Wisepass. Shark Linh đưa ra điều kiện muốn cùng mức giá trị với quỹ đầu tư trước đó là Expara của Singapore, tức 500.000 USD đổi lấy 35% cổ phần. Trong đó, giai đoạn đầu chỉ đầu tư 50.000 USD, thiết lập một vài KPI mà nếu Wisepass đạt được sẽ thảo luận tiếp.

Mức đầu tư Shark Linh khiến nhà sáng lập Việt Kiều phải ‘cân não’ với quyết định cuối cùng, bởi tỷ lệ này đang phá vỡ khung định hướng của các nhà đầu tư trước đó. Shark Linh gợi ý thêm rằng VinaCapital là một quỹ đầu tư lướn, khi Wisepass gọi vốn vòng series A cũng có thể nói chuyện với quỹ này.

Trước lời mời gọi khá hấp dẫn của Shark Linh, nhà sáng lập Wisepass đã nhanh chóng đồng ý nhận lời.

Tổng quan thương vụ gọi vốn của Wisepass:

- Mô tả: Wisepass là một ứng dụng công nghệ về phong cách sống, cho phép người dùng kết nối với các địa điểm ăn uống, vui chơi, giải trí chỉ bằng một cú quẹt qua hộp đen đặt tại các điểm đến. Hiện nay, Wisepass đã có mặt tại 4 thành phố (Hà Nội, Sài Gòn, BangKok, Manila) và 3 quốc gia.

- Founder: Trần Lâm

- Lĩnh vực: Công nghệ

- Tình hình kinh doanh: dự kiến trong 2018 là 500.000 USD

- Gọi đầu tư: 500.000 USD đổi lấy 5% cổ phần

Kết quả: Nhận được đầu tư từ Shark Linh với 500.000 USD đổi lấy 35% cổ phần.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên