MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 100 ngày kể từ khi Covid-19 "đổ bộ": Vì sao cuộc khủng hoảng sức khoẻ lần này lại dai dẳng và tàn khốc đến thế?

25-06-2020 - 09:04 AM | Tài chính quốc tế

Covid-19 không quan tâm đến việc người Mỹ sẽ bỏ phiếu cho ai vào tháng 11 tới!

Tính đến ngày 25/6/2020, đã hơn 100 ngày kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới WHO tuyên bố Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Theo đó, Covid-19 được xác định xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối tháng 12 và đã lây nhiễm tới hơn 9 triệu người trên toàn cầu, trong đó có hơn 2 triệu người Mỹ bị nhiễm bệnh.

Số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 473.650 người, trong đó có 120.770 người chết vì Covid-19 tại Mỹ.

Đây được coi là đại dịch toàn cầu đầu tiên sau đại dịch thế kỷ HIV/AIDS. Vậy lý do vì sao khiến cuộc khủng hoảng y tế lần này lại dai dẳng và khủng khiếp đến thế?

1. Chỉ mất 30 ngày để Covid-19 lây lan từ một thành phố nhỏ bé đến cả quốc gia rộng lớn

Hoa Kỳ đang chiếm khoảng 1/4 số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng con số này xuất phát từ sự chậm trễ trong việc đóng cửa nền kinh tế tại hầu hết các bang của nước này. Tuy nhiên, trong một bài đăng trên Twitter, Tổng thống Donald Trump cho rằng "37.000 người Mỹ đã chết vì bệnh cúm vào năm ngoái. Vì vậy, không có gì phải đóng cửa, cuộc sống và nền kinh tế vẫn tiếp tục duy trì".

Dẫu vậy, chỉ 10 ngày sau đó, ông Trump đã buộc phải thay đổi phát ngôn của mình. "Không có gì tệ hơn là tuyên bố chiến thắng trước khi thực sự chiến thắng". Ông từng khẳng định virus sẽ "tự biến mất" không dưới chục lần.

Chính phủ liên bang bị chỉ trích vì đã không thực hiện triển khai thử nghiệm trên toàn quốc sớm hơn. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cũng bị chỉ trích vì đã không hành động sớm hơn để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát đến mức không kiểm soát được tại thành phố này.

Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới WHO tuyên bố Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu với nỗi lo sợ lớn nhất của dịch bệnh này không phải phòng ngừa mà là ngăn chặn.

2. Từ không đeo khẩu trang đến tất cả mọi người đều đeo khẩu trang

Sau hai tháng "hoài nghi" về tác dụng của khẩu trang và biến New York trở thành trung tâm của dịch bệnh chết chóc nhiều nhất nước Mỹ, cuối cùng chính quyền Trump, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, WHO và cả thống đốc bang New York Coumo đều phải thừa nhận rằng: tất cả người Mỹ nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Các nghiên cứu trước đây từng khẳng định khẩu trang sẽ giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm thông qua việc ngăn chặn các giọt nhỏ bắn vào không khí trong mùa cúm. Tất nhiên, không phải khẩu trang sẽ giúp giảm 100% tỷ lệ lây nhiễm bệnh, nhưng ít nhất nó giúp duy trì thói quen lành mạnh và có lợi cho sức khoẻ.

"Bạn không bắt buộc phải làm điều đó. Tôi lựa chọn sẽ không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, nếu muốn bạn vẫn có thể đeo chúng", Tổng thống Trump phản bác khuyến nghị của các quan chức y tế.

Theo ước tính của WHO, khoảng 16% người bệnh không có triệu chứng nhưng có thể lây truyền sang người khác, do vậy việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng sẽ an toàn hơn rất nhiều.

3. Thuốc trị sốt rét có thực sự hiệu quả với Covid-19?

Ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát ở Mỹ, Tổng thống Trump đã giới thiệu thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine như một phương pháp khả thi trong điều trị Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng đó là một sự "lãng phí thời gian và tiền bạc không cần thiết".

Trong khi mới hồi tháng 2, chính quyền Tổng thống Trump chỉ ban hành lệnh cấm người dân Mỹ du lịch đến các điểm nóng dịch bệnh trên thế giới thì ngay sau đó người đứng đầu Nhà Trắng phải thừa nhận rằng đóng cửa nền kinh tế mới có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy vậy, ông vẫn cảnh báo rằng việc đóng cửa nền kinh tế sẽ khiến nước Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái lớn hơn.

"Sẽ có thêm nhiều người bị bệnh. Nhưng chúng ta phải mở cửa sớm, đó là điều không thể tránh khỏi", ông Trump tuyên bố.

4. Có nên vui mừng quá sớm?

Theo tin từ CNN, tuần qua hầu hết các bang tại Mỹ đều ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao đột biến sau khi các doanh nghiệp dần mở cửa trở lại và các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Theo dự báo của nhiều chuyên gia y tế, Florida có thể trở thành New York phiên bản 2.0 sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng cao kỷ lục tại bang này.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có nên vui mừng quá sớm khi hầu hết các bang ở Mỹ đã mở cửa trở lại và số ca nhiễm mới tiếp tục tăng lên? "Các quốc gia nên tiếp tục duy trì giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp y tế nghiêm chỉnh để ngăn chặn sự lây lan của virus và tránh làn sóng dịch bệnh bùng phát lần thứ 2", các chuyên gia y tế Hoa Kỳ khuyến cáo.

5. Covid-19 không quan tâm đến việc người Mỹ sẽ bỏ phiếu cho ai vào tháng 11 tới

Có một điều chắc chắn sẽ diễn ra ở Mỹ vào tháng 11 tới đó là Covid-19 không quan tâm bạn là ai, bạn sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà. Nhiều nhà quan sát cho rằng, phản ứng của nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc xung quanh Covid-19 đang bị "chính trị hoá".

Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho rằng làn sóng dịch bệnh thứ 2 sẽ bùng phát, hoặc ngay bây giờ hoặc vào mùa thu. Ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tiếp tục đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kéo dài, thậm chí còn lớn hơn nhiều so với dự báo.

"Tôi tin rằng virus đang biến mất. Nếu nhìn vào những con số, bạn sẽ thấy tỷ lệ rất nhỏ so với trước đây. Virus sẽ biến mất", ông Trump từng khẳng định sau khi số ca nhiễm mới tăng trở lại ở hàng chục bang lớn nhỏ khắp nước Mỹ.

Hà My

Tổ Quốc

Trở lên trên