MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 1.000 dự án bất động sản cần rà soát thủ tục pháp lý theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng

17-04-2023 - 11:09 AM | Bất động sản

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu các địa phương làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án bất động sản có vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Theo đó, hiện nay trên cả nước đang có hơn 1.000 dự án cần rà soát thủ tục pháp lý.

Hơn 1.000 dự án bất động sản cần rà soát thủ tục pháp lý theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng - Ảnh 1.

Có hơn 1.000 dự án bất động sản cần rà soát thủ tục pháp lý theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Theo Tổ công tác của Thủ tướng về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, hiện cả nước có hơn 1.000 dự án bất động sản còn vướng pháp lý, trong đó chủ yếu là các dự án nhà ở thương mại.

Các vướng mắc được Tổ công tác chỉ điểm do thể chế, một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai, đầu tư… còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Trong đó, khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật về đất đai như tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng. Thứ hai là khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị phức tạp, kéo dài, chậm thực hiện ở các địa phương. Thứ ba là về khan hiếm nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, do khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu.

Các khó khăn này dẫn đến nguồn cung bất động sản và việc triển khai các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều hạn chế.

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về bất động sản ngày 17/2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra nhiều hồ sơ dự án được xử lý quá lâu, qua nhiều cấp lãnh đạo ở địa phương các thời kỳ quyết định, có hoặc không có vướng mắc về pháp lý nhưng các cơ quan có thẩm quyền xử lý “ngại” trách nhiệm, trì hoãn, đùn đẩy lên Trung ương xin ý kiến nhiều nơi, nhiều lần dẫn đến dự án chậm hoặc dừng triển khai thực hiện.

Trong khi đó, riêng tại TP HCM, có khoảng 156 dự án cũng đã được “đặt lên bàn cân”. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), giai đoạn 2016-2022, có đến 357 dự án (chiếm 24,7%) “dự án treo”, chủ yếu do vướng mắc về phương án giá bồi thường.

Khoảng 64 dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư sử dụng đất có nguồn gốc “đất công” thuộc các trường hợp do “sắp xếp lại, xử lý tài sản công” hoặc do “di dời nhà xưởng ô nhiễm” hoặc do “cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” mà chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật thuộc diện phải rà soát lại về pháp lý nên đã bị dừng triển khai thực hiện, dừng thi công; dừng các thủ tục xác định tiền sử dụng đất hoặc tiền sử dụng đất bổ sung; dừng thủ tục cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho chủ đầu tư, người mua nhà; không được huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai nên các chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án này rất khó khăn.

Nhận định về tình trạng vướng mắc về pháp lý của các dự án bất động sản hiện nay, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu Tư Savills Việt Nam cho rằng thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua. Do đó, để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp.

Đối với thực tiễn công tác tháo gỡ các vướng mắc nói trên trong thực tiễn, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm kinh tế luật và quản lý (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng đang có tâm lý e ngại của các chính các cơ quan chức năng.

“Những vướng mắc và cả những giải pháp đã được đưa ra nhưng vướng mắc tại hàng trăm dự án trên địa bàn vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ngay cả tổ công tác của Chính phủ cũng biết được điểm vướng nhưng mọi giải pháp cũng phải dựa theo pháp luật, không thể làm khác được. Trong khi pháp luật còn chồng chéo, có những dự án kéo dài hàng chục năm, qua nhiều lần sửa luật”, ông Huỳnh Phước Nghĩa nhận định.

Theo Lê Sáng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên