Hơn 11 tỷ USD từ Mỹ đã rót vào Việt Nam: Lĩnh vực nào được đầu tư nhiều nhất?
Mới đây, phái đoàn gồm 52 doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh. Tính đến nay, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư hơn 11 tỷ USD vào Việt Nam.
- 22-03-2023Việt Nam trở thành quốc gia hạnh phúc thứ 4 trong khu vực, xếp trên cả Indonesia và Philippines
- 21-03-2023Một loại nông sản xuất khẩu sang Indonesia tăng đột biến về cả kim ngạch lẫn sản lượng
- 16-03-2023Một loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh hơn 400% trong 2 tháng đầu năm
Trong số các doanh nghiệp Mỹ tham gia chuyến thăm lần này tới Việt Nam, có nhiều tên tuổi quen thuộc, đang hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng như Apple, Coca-Cola và PepsiCo, Netflix... Ngoài ra, SpaceX cũng cho biết đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Tham gia chương trình của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN còn có các công ty sản xuất chất bán dẫn, các hãng dược phẩm Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, Công ty Tài chính Visa, Ngân hàng Citibank, các hãng công nghệ điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services.
Hai lĩnh vực mà phái đoàn sẽ tập trung thảo luận với các đối tác Việt Nam. Thứ nhất là chuyển đổi năng lượng, để Việt nam đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050. Thứ hai là chuyển đổi số, đây là điều đang diễn ra và sẽ đưa Việt Nam ở vào một vị thế mới trong cuộc cạnh tranh số.
Trong nhiều năm qua, Mỹ liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2022, Mỹ đầu tư vào Việt Nam khoảng 748,17 triệu USD với 91 dự án cấp mới, xếp thứ 8 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Tính đến 20/2/2023, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam đạt 11,42 tỷ USD với tổng 1.223 dự án. Với số vốn này, Mỹ hiện xếp thứ 11 trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Tính theo ngành, lĩnh vực, các nhà đầu tư Mỹ đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: Dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 43,1% tổng vốn đầu tư và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 32% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là cấp nước và xử lý chất thải, vận tải kho bãi chiếm lần lượt 5,1% và 3,9% tổng vốn đầu tư. Như vậy, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống là lĩnh vực hiện được Mỹ đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam, khoảng 3,65 tỷ USD.
Mặc dù, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ vẫn duy trì hoạt động và tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.
Lũy kế tổng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam từ năm 2018 đến nay. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong năm 2022, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã tăng đầu tư vào Việt Nam. Điển hình như Tập đoàn Quantum (Mỹ) và Công ty cổ phần BB Group (Tập đoàn BBG, Việt Nam) đã ký thỏa thuận với tỉnh Quảng Trị về việc nghiên cứu, hợp tác đầu tư hai dự án quy mô lớn tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Cùng với đó, 2 doanh nghiệp lớn khác của Mỹ là Exxon Mobil và Milennium cũng đề xuất các kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án điện khí tại Việt Nam...
Ngoài ra, các doanh nghiệp Mỹ đang ưu tiên đầu tư tập trung vào một số lĩnh vực nhất định tại Việt Nam. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Việt – Mỹ diễn ra vào tháng 3/2022, bà Marisa Lago - Thứ trưởng Thương mại phụ trách thương mại quốc tế Mỹ chia sẻ rằng, y tế, thương mại số, năng lượng và biến đổi khí hậu sẽ là 3 lĩnh vực được phía doanh nghiệp Mỹ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong năm 2022.
Trên thực tế, FDI của Mỹ chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi. Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành nhận vốn đầu tư từ Mỹ nhiều nhất gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu (45,8%), thành phố Hồ Chí Minh (12,4%), Bình Dương (9%)…
Theo ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham Hà Nội), hiện doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh. Điều này được thể hiện khi nhìn vào cấu trúc của doanh nghiệp, có thể thấy doanh nghiệp rất quan tâm đến phát thải ròng bằng 0 theo cam kết Việt Nam đưa ra tại COP 26.
Ông John Rockhold cho biết thêm, đang có hàng nghìn tỷ USD từ các nhà đầu tư Mỹ đang ngóng để "chảy" vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, cơ sở hạ tầng cảng biển, đường sắt của Việt Nam.
Tổ quốc