MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 110.000 đồng hồ nước để… "làm cảnh"

31-05-2017 - 08:25 AM | Xã hội

Cuối năm 2016, 100% hộ dân ở TP HCM được cung cấp nước sạch nhưng hiện nay, hơn 110.000 đồng hồ nước lắp để "làm cảnh", gây lãng phí đầu tư.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết đến cuối tháng 3-2017, có 113.489 đồng hồ nước có hóa đơn bằng 0, đồng nghĩa người dân không sử dụng nguồn nước do đơn vị này cung cấp. Tuy nhiên, chính những khu vực mới được đầu tư trong các năm qua, người dân vẫn không mặn mà với nước sạch mà chỉ muốn dùng nước giếng khoan.

Đủ lý do không dùng

Theo khảo sát tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12, người dân vẫn sử dụng 2 loại nước song song là nước máy mới được lắp đặt cùng với nước giếng khoan đã sử dụng từ hàng chục năm qua. Tại phường Trung Mỹ Tây (quận 12), người dân khu phố 7 cho biết nước sạch mới được gắn khoảng 2 năm trước nhưng có mùi lạ nên không sử dụng. Bà Lê Thu Tâm, ngụ đường Trung Mỹ Tây 13, cho biết lâu nay gia đình vẫn dùng nước giếng khoan vì nước trong, không bị nhiễm phèn. Khi có nguồn nước máy, gia đình dùng thử thì có mùi (clo) khó chịu nên cũng hạn chế sử dụng. "Thỉnh thoảng, nước lại bị đục không rõ lý do khiến quần áo giặt bị ố màu. Bên cạnh đó, áp lực nước yếu nên chỉ dùng cho ăn uống chứ tắm giặt trên các tầng trên thì nước không lên nổi" - bà Tâm nói. Do đó, nguồn nước mà gia đình bà Tâm sử dụng vẫn là giếng khoan bơm lên bồn. Không chỉ nhà bà Tâm, hàng trăm nhà dân ở khu vực này đều có bồn nước trên nóc để sử dụng dần.


Người dân ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP HCM vẫn dùng nước giếng khoan dù đã được gắn đồng hồ nước

Người dân ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP HCM vẫn dùng nước giếng khoan dù đã được gắn đồng hồ nước

Người dân ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn vẫn chưa có thói quen sử dụng nước sạch. Ông Nguyễn Văn On (ngụ đường Mỹ Huề 6) chỉ vào đường ống dọc 2 bên đường và cho biết đa số người dân đã được gắn đồng hồ nước, trừ những đoạn đang thi công nâng cấp thì sẽ làm sau. Ông On làm nghề rửa xe máy và khoan trực tiếp nước ngầm sử dụng để giảm chi phí. Riêng nước sạch, gia đình chưa được gắn đồng hồ nên hằng ngày ông vẫn xách nước của nhà bên cạnh về dùng. Theo ghi nhận, đa số người dân cho biết đường ống nước được đặt âm tường từ trước khi có nước sạch mà đồng hồ nước lại nằm gần cửa nên chưa đấu nối được với nhau. Muốn cải tạo lại đường ống thì tốn thêm chi phí nên các hộ dân vẫn còn dè chừng.

Một lý do khác khiến người dân chưa mặn mà với nước sạch là do thói quen sử dụng nước miễn phí từ hàng chục năm qua. Tại những khu vực chúng tôi khảo sát, người dân cho biết nguồn nước giếng khoan vẫn sạch nên tiếp tục sử dụng.

Quá lãng phí

Theo tìm hiểu, tỉ lệ người dân không sử dụng nước sạch cao nhất là huyện Hóc Môn với 26% (16.324 đồng hồ); kế đến là các quận 12 có 18% (18.042 đồng hồ), Gò Vấp 12% (12.700 đồng hồ), Bình Tân 11% (13.058 đồng hồ). Đặc biệt, có những xã - phường tỉ lệ người dân không dùng nước sạch lên đến 1/4 như Trung Chánh, Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn); Tân Thới Hiệp, Tân Chánh Hiệp, Trung Mỹ Tây, Hiệp Thành (quận 12); Đa Phước, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh)… Điều đáng nói, những địa phương này là nơi đã được đầu tư, lắp mới hàng chục ngàn đồng hồ nước trong năm 2016 theo Nghị quyết 35/2015 của HĐND TP về chỉ tiêu đạt 100% cung cấp nước sạch cho người dân. Để thực hiện các biện pháp cung cấp nước sạch, các công ty cấp nước đã bỏ ra kinh phí rất lớn, thậm chí cả những nơi không có trong quy hoạch phát triển TP.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM, cho rằng con số hơn 110.000 đồng hồ nước không người "xài" là quá lãng phí. Về nguyên nhân người dân không sử dụng nước, ông Nhựt cho biết do thói quen dùng nước giếng khoan từ nhiều năm qua. Người dân lâu nay sử dụng không tốn tiền và cho rằng nguồn nước giếng khoan sạch do "nhìn vào thấy trong" nên không muốn dùng nước máy.

"Do không dùng nước máy, khi mở vòi lại gặp phải tình trạng nước đục, có mùi lạ nên càng củng cố thêm tâm lý nước máy không sạch, không an toàn" - ông Nhựt dẫn chứng. Theo ông, trong quý III/2017, Ban Đô thị sẽ tái kiểm tra tình hình người dân sử dụng nước sạch cũng như công tác phát triển mạng lưới của các đơn vị cấp nước.

"Người dân không xài nước sạch mà vẫn phát triển mạng lưới thì có nghịch lý?" - chúng tôi đặt vấn đề. Ông Nhựt lý giải muốn người dân sử dụng nước sạch thì phải cung cấp nguồn nước đến tận nơi và cùng với đó là công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, nếu muốn nâng cao tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch thì chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền hơn nữa cũng như thay đổi cách thức tuyên truyền.

"Không thể đưa cả trăm người vô hội trường rồi nói về kiến thức hay phát tờ bướm là người dân sẽ sử dụng nước sạch. Phải tìm hiểu về trình độ nhận thức người dân từng khu vực cũng như phân tích cụ thể lợi hại của việc dùng nước sạch, nước giếng. Đơn cử, dùng nước giếng khoan sẽ tốn tiền điện và không hề an toàn dù nhìn nước thấy trong vắt và có vị ngọt" - ông Nhựt nói.

Theo kết quả giám sát chất lượng nguồn nước giếng người dân tự khai thác của Trung tâm Y tế dự phòng, hầu hết các nguồn nước giếng đều không đạt theo tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt (Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế) ở các chỉ tiêu pH, sắt và có khoảng 50% mẫu nước không đạt chỉ tiêu amoniac.

Nước yếu do thay đổi công nghệ bơm

Khoảng 10 ngày qua, người dân ở đường số 7, khu phố 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM phản ánh tình trạng áp lực nước không thể tự đẩy lên đến tầng 3 như trước đây. Khi báo Công ty CP Cấp nước Thủ Đức thì có nhân viên kiểm tra và cho biết áp lực bơm yếu nên nước không lên được bể chứa và hứa sẽ về tăng áp lực bơm. Tuy nhiên, áp lực nước chỉ tăng được vài giờ rồi lại chảy nhỏ giọt khiến người dân không có nước xài.

Đại diện Công ty CP Cấp nước Thủ Đức cho biết nguyên nhân của tình trạng áp lực nước yếu hơn trước là do Nhà máy Nước Thủ Đức thay đổi công nghệ bơm biến tầng. Sáng 26-5, sau khi nhận thông tin từ Báo Người Lao Động, nhân viên kiểm tra ở giữa đường số 7 thì áp lực lúc 10 giờ là 2,2 kg (trung bình áp lực 1 kg bằng 10 m, về lý thuyết nước có thể lên đến 20 m). Ngoài đường số 7, công ty còn nhận phản ánh nước yếu ở đường Hoàng Diệu 2, Võ Văn Ngân và một vài địa điểm khác. Tuy nhiên, khi nhân viên kiểm tra thì áp lực nước bình thường, không giống như tin báo cúp nước của người dân.

Đại diện Công ty CP Cấp nước Thủ Đức cũng giải thích thêm có thể do người dân dùng nước từ mạng lưới tự bơm lên bồn vì áp lực đầu nguồn mạnh. Khi thiết kế nhà 3-4 tầng được xác định là nhà cao tầng, chủ nhà nên nghiên cứu mạng lưới cấp nước đô thị và dùng thêm giải pháp "bể dưới bồn trên", nghĩa là dùng máy bơm đẩy nước lên bồn từ bể chứa phía dưới.

Theo Sỹ Đông

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên