Hơn 1.300 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong 6 tháng
Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về xử lý kỷ luật, kể cả đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
- 04-07-2024TP HCM: Bốc thăm chọn 77 cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập
- 03-07-2024Đường dây mua bán hóa đơn hơn 4.000 tỷ đồng, có sự tham gia của cán bộ thuế
- 02-07-2024Luân chuyển cán bộ - “liều thuốc thử” cán bộ, đảng viên
Bộ Nội vụ vừa xây dựng dự thảo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Nội vụ. Từ đầu năm, Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động của năm 2024 là “Kỷ cương, gương mẫu, chuyên nghiệp, hiệu quả”.
Liên quan đến kết quả tinh giản biên chế công chức, viên chức trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản tổng số 3.853 người. Trong đó, bộ, ngành là 107 người (47 công chức, 60 viên chức), địa phương là 3.746 người (530 công chức, 3.216 viên chức).
Cùng với đó, các địa phương cũng đã tích cực xây dựng kế hoạch, tổ chức xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm , điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định hướng dẫn. Theo Bộ Nội vụ, việc phê duyệt vị trí việc làm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần sớm hoàn thành với tinh thần “vừa làm, vừa hoàn thiện, không cầu toàn”.
Đến nay, toàn bộ các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm. Một số địa phương đã thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quản lý biên chế, xây dựng vị trí việc làm được Bộ Nội vụ nêu rõ, như: Hưng Yên, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh, Đồng Nai, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang, Hậu Giang, Sơn La , Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Nội vụ đã tập trung rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ , công chức, viên chức.
Cùng với đó, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Từ đó nhằm tạo cơ sở pháp lý, ban hành khung chính sách, nhất là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, thu hút, sử dụng, trọng dụng người có tài năng.
Bộ Nội vụ cũng tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về xử lý kỷ luật, kể cả đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Song song với đó là đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện quy định của Đảng về kịp thời thay thế, đình chỉ công tác đối với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ Nội vụ, trên cơ sở tổng hợp số liệu của các bộ, ngành, địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 1.338 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật (trong đó cán bộ là 139 người, công chức là 432 người, viên chức là 767 người).
Các bộ, ngành, địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức được 13.965 người (bộ, ngành tuyển dụng 169 công chức, 391 viên chức; địa phương tuyển dụng 1.519 công chức, 11.886 viên chức).
Trong đó, đã tuyển dụng theo Nghị định số 140 được 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (bộ, ngành tuyển dụng 4 người, địa phương 26 người) để bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả nước.
Bộ Nội vụ đánh giá, trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
Tiền phong