Hơn 15 triệu lao động tự do đã nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19
Tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động tự do, nhóm đặc thù bị ảnh hưởng dịch COVID-19, trong thời gian từ năm 2021 tới hết tháng 6/2022, đã có trên 15,6 triệu người được hỗ trợ tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng từ ngân sách.
- 22-10-2022Gói hỗ trợ của Chính phủ - Động lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng
- 16-10-2022Gói hỗ trợ tài khoá giúp doanh nghiệp vượt khó
- 08-09-2022Tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%: Còn nhiều thủ tục phức tạp đối với doanh nghiệp
Bộ LĐ-TB&XH cho hay, năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người lao động và nhân dân, Chính phủ đã có 2 nghị quyết về chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước ( Nghị quyết 68 và 126). Trong đó có chính sách hỗ trợ với nhóm lao động tự do, đặc thù từ nguồn ngân sách địa phương. Các chính sách này đã cơ bản kết thúc trước tháng 6/2022.
Tới hết tháng 6 năm nay, các tỉnh, thành phố trên đã thực hiện chi hỗ trợ cho trên 15,6 triệu người, tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và một số nguồn khác. Các khoản hỗ trợ này đã phần nào giúp người lao động ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Nhóm lao động tự do và đặc thù được Chính phủ giao UBND các tỉnh thành căn cứ theo điều kiện và khả năng của ngân sách địa phương để xây dựng, ban hành hỗ trợ. Mức tối thiểu 1,5 triệu đồng/người/lần, hoặc 50.000 đồng/người/ngày theo số ngày địa phương yêu cầu dừng hoạt động, giãn cách xã hội để chống dịch.
Nhiều địa phương đã sử dụng ngân sách, các khoản ủng hộ với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động tự do, nhóm đặc thù bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Với nhóm lao động tự do, có 57/63 tỉnh thành ban hành chính sách hỗ trợ, tập trung vào 6 nhóm ngành nghề, gồm: Bán vé số dạo; bán hàng rong; xe ôm; bốc vác, vận chuyển hàng hoá; thợ may, mộc, điện, nước, xây dựng; lao động không có hợp đồng làm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, giáo dục, vận tải, lưu trú, làm đẹp, giải trí, thể thao…
Với nhóm đặc thù, có 15/63 tỉnh thành ban hành chính sách hỗ trợ, gồm các nhóm: hộ nghèo, cận nghèo; người có công; bảo trợ xã hội; lao động thời vụ, lao động thuê khoán, hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp; lao động về từ vùng dịch; giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục ngoài công lập…
Kết thúc thời gian thực hiện các chính sách trên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, nhìn chung, chính sách hỗ trợ trên có các nhóm đa dạng, phân tán. Tuy nhiên, các địa phương đã đơn giản hoá thủ tục, huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư… nên việc triển khai không có vướng mắc.
Dù vậy, theo Bộ LĐ-TB&XH, trong quá trình tổ chức triển khai có lúc, có nơi còn thiếu nhất quán trong chỉ đạo triển khai; một số cán bộ thực thi còn tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm; một số nơi cứng nhắc trong tiếp nhận hồ sơ, thiếu linh hoạt, sự phối hợp… Dẫn tới việc giải quyết, chi trả chế độ cho người lao động một số nơi còn chậm, thêm thủ tục, làm giảm đi ý nghĩa của chính sách trong bối cảnh dịch bệnh…
Tiền phong