MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 16 triệu người Việt có nguy cơ không có lương hưu vào năm 2030, trong khi số người già cần chăm sóc ngày càng tăng

Hơn 16 triệu người Việt có nguy cơ không có lương hưu vào năm 2030, trong khi số người già cần chăm sóc ngày càng tăng

Năm 2015 cứ 6,6 người trong độ tuổi lao động từ 15-59 thì có hơn một người già trên 60 tuổi, và tới năm 2055 thì tỷ lệ là 2,1 người trong độ tuổi lao động trên một người già. Nhưng đó mới chỉ là một trong những thách thức được Tổ chức Lao động Quốc tế ILO chỉ ra với hệ thống hưu trí Việt Nam.

Báo cáo tóm lược các phương án xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng ở Việt Nam của ILO đã chỉ ra những thách thức đối với hệ thống hưu trí Việt Nam hiện nay.

Già hoá dân số nhanh chóng

Thách thức thứ nhất được ILO chỉ ra là tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển dịch cơ cấu dân số nhanh chóng thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia có dân số trẻ với tỷ lệ phụ thuộc của người già là 6,6%. Tuy nhiên, số người trên 60 tuổi dự kiến sẽ tăng từ 9,1 triệu người vào năm 2015 lên tới 33 triệu người vào năm 2105. 

Cụ thể, thời gian cần thiết để chuyển từ “giai đoạn đang già hóa” sang “giai đoạn đã già hóa” ở Việt Nam ngắn hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Việt Nam sẽ chỉ cần 18 năm, trong khi Pháp cần 115 năm, Mỹ cần 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc cần 26 năm, theo Ngân hàng Thế giới. Trong khi đó, năm 2015 cứ 6,6 người trong độ tuổi lao động từ 15-59 thì có hơn một người già trên 60 tuổi, và tới năm 2055 thì tỷ lệ là 2,1 người trong độ tuổi lao động trên một người già.

Hơn 16 triệu người Việt có nguy cơ không có lương hưu vào năm 2030, trong khi số người già cần chăm sóc ngày càng tăng - Ảnh 1.

Ảnh: Wi Bing Tan/Flickr

Với tình hình phát triển kinh tế xã hội như hiện nay, thì xu thế này có thể trở thành một thách thức đối với Việt Nam và chắc chắn phải cần điều chỉnh đáng kể hệ thống hưu trí. 

ILO cũng chỉ ra rằng, xu hướng nhân khẩu học, bao gồm cả những thay đổi trong cấu trúc gia đình, đòi hòi phải mở rộng diện bao phủ hưu trí. Tuổi thọ tăng lên và tỷ lệ sinh giảm đi sẽ làm gia tăng số người già cần được bảo vệ đầy đủ khi về già. 

Những nguy cơ của nhóm dân số trong độ tuổi lao động là bị “kẹt” giữa việc chăm sóc cho con cái và cha mẹ của mình, phải đối mặt với gánh nặng tài chính ngày càng tăng khi phải chăm sóc cả ba thế hệ, con cái, bản thân, và cha mẹ. Gánh nặng này trở nên trầm trọng hơn do số người trong tuổi lao động ít đi và họ có ít anh chị em hơn để cùng chia sẻ gánh nặng ngày càng lớn của việc chăm sóc bố mẹ già.

Ngoài ra, ILO cũng cho rằng, già hóa sẽ ảnh hưởng tới phụ nữ nhiều hơn nam giới, và sự thay đổi các chuẩn mực văn hóa có chiều hướng cho thấy những dấu hiệu về sự kỳ vọng ngày càng cao vào trách nhiệm của chính phủ trong việc hỗ trợ người già có được sư đảm bảo thu nhập đầy đủ.

Mở rộng diện bao phủ hiệu quả vẫn còn gặp nhiều thách thức

Mặc dù đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc mở rộng diện bao phủ pháp lý an sinh xã hội, nhưng theo ILO, việc mở rộng diện bao phủ hiệu quả vẫn còn gặp nhiều thách thức. 

Mặc dù có tiến triển trong việc mở rộng diện bao phủ pháp lý, nhưng số người hưởng hưu trí vẫn còn thấp. ILO ước tính có khoảng 8,3 triệu trong số 10,1 triệu người cao tuổi không được hưởng một khoản trợ cấp nào vào năm 2017, chiếm tới 83% tổng số người trên 60 tuổi. 

Nếu không có một chiến lược tham vọng nhằm mở rộng diện bao phủ hưu trí, thì việc có ít người tham gia đóng bảo hiểm hiện nay sẽ dẫn tới diện bao phủ hưu trí hạn chế trong tương lai. Năm 2017, hơn 41,1 triệu người không tham gia bảo hiểm xã hội trong khi chỉ có khoảng 13,8 triệu người đóng bảo hiểm xã hội. Điều này có nghĩa là chỉ có 25,1% tổng lực lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội và có thể hưởng hưu trí khi về già. Đặc biệt, phụ nữ và lao động phi chính thức nhiều khả năng sẽ không được bảo vệ đầy đủ khi về già.

Ngoài khoảng trống đáng kể về diện bao phủ, các chế độ từ chương trình có đóng góp thường thấp hơn so với tổng lương và như vậy không đủ để đảm bảo đời sống đầy đủ khi về già. Không liên quan đến công thức tính trợ cấp, điều này xuất phát từ thực tiễn phổ biến là khai báo lương thấp hơn thực tế, sử dụng lương cơ bản thay vì lương tổng làm tham chiếu cho thu nhập tính bảo hiểm, cũng như việc tuân thủ pháp luật còn hạn chế của người sử lao động và người lao động. 

Việc mở rộng các cơ chế hưu trí tài trợ từ nguồn thuế là chìa khóa cho việc thu hẹp khoảng trống bao phủ, ILO cho biết. Nếu không mở rộng đáng kể các cơ chế lấy từ nguồn thuế thì trong số 20,7 triệu người trên tuổi về hưu theo luật vào năm 2030, có 16,4 triệu người - hay 79% người cao tuổi có nguy cơ không có khoản trợ cấp nào. 

Bền vững tài chính của hệ thống hưu trí

Ở Việt Nam, theo ILO, áp lực tài chính của hệ thống xuất phát từ những thay đổi cơ cấu dân số và một số yếu tố khác. Tốc độ già hóa dân số nhanh và sự hoàn thiện tự nhiên của hệ thống hưu trí của Việt Nam tạo ra một tình trạng đặc thù có ảnh hưởng tới hệ thống hưu trí và chi phí của hệ thống đó. Chi phí tăng lên là một hiện tượng bình thường mà nhiều quốc gia già hóa trên thế giới gặp phải khi các hệ thống hưu trí hoàn thiện và dân số già hóa. 

Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam cần phải hành động. Tỷ lệ thay thế cao và tuổi nghỉ hưu theo luật thấp có vẻ mâu thuẫn với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Tuổi thọ cao hơn có nghĩa là người dân sẽ hưởng hưu trí trong thời gian dài hơn (hoặc sẽ làm việc dài hơn nếu điều kiện sức khỏe cho phép). 

Cùng với tỷ lệ người đóng đang ngày càng giảm đi so với tỷ lệ người hưởng, xu hướng này có thể đặt ra thách thức về tài chính cho hệ thống. Điều này cho thấy cần phải thiết kế mức tuổi nghỉ hưu bình đẳng cho cả nam và nữ. Các tỷ lệ thay thế hiện nay đều quá cao nên không đảm bảo bền vững tài chính của hệ thống. Tỷ lệ thay thế tối đa là 75% lương tham chiếu sau 35 năm đóng góp. Với những người có từ 20 đến 35 năm công tác, tỷ lệ thay thế ở Việt Nam hiện đang quá cao so với “lương đóng bảo hiểm” (chưa cần so với lương tổng). Trong khi đó cần phải đóng góp đủ 20 năm mới đủ điều kiện hưởng lương hưu tối thiểu. 

Hơn 16 triệu người Việt có nguy cơ không có lương hưu vào năm 2030, trong khi số người già cần chăm sóc ngày càng tăng - Ảnh 2.

Ảnh: Nhac Nguyen/AFP

Số người rút bảo hiểm một lần gia tăng dẫn tới tác động tiêu cực đối với việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Những người dừng đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian tối thiểu một năm và chưa đạt tới 20 năm đóng góp thì được phép rút bảo hiểm một lần. Tuy nhiên việc rút một lần sẽ làm ảnh hưởng tới mức an ninh thu nhập tuổi già. 

Ngoài ra, những trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần tập trung vào nhóm lao động trẻ, gây tác động nặng nề hơn đối với đảm bảo thu nhập tuổi già. Hợp phần hưu trí cho công chức nhà nước đang gây rủi ro tài chính cho quỹ hưu trí của người lao động khu vực tư nhân. Mức lương hưu cho khu vực tư nhân căn cứ vào thu nhập toàn thời gian lao động, trong khi mức lương hưu khu vực công vẫn căn cứ vào thu nhập trung bình của một số năm gần nhất. Do thu nhập của những năm cuối đóng bảo hiểm thường cao hơn, nên người lao động khu vực tư nhân đang gánh một phần tài chính cho quỹ hưu trí khu vực công.

https://cafef.vn/hon-16-trieu-nguoi-viet-co-nguy-co-khong-co-luong-huu-vao-nam-2030-trong-khi-so-nguoi-gia-can-cham-soc-ngay-cang-tang-20220621163932984.chn

Nhã Mi

Tổ Quốc

Trở lên trên