Hơn 17% cổ phần Eximbank vừa được sang tay
Liên tiếp hai phiên gần đây chứng kiến giao dịch khối lượng ''khủng'' tại cổ phiếu EIB của Eximbank, trị giá tới 5.700 tỷ đồng.
- 22-12-2022Khối ngoại hôm nay bán ròng hơn 2.800 tỷ đồng tại một mã ngân hàng
- 21-12-2022Khối ngoại chi hơn 1.200 tỷ gom cổ phiếu một ngân hàng trong phiên 21/12
- 16-11-2022Cổ phiếu Eximbank giảm sàn 5 phiên liên tiếp, ngân hàng nói gì?
Cụ thể, trong hai ngày 21/12 và 22/12 đã có tổng cộng gần 211,8 triệu cổ phiếu EIB được các nhà đầu tư sang tay, giá trị hơn 5.916 tỷ đồng và tương đương hơn 17,2% cổ phần của Eximbank. Trong đó, phần lớn cổ phiếu Eximbank được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với khối lượng đạt trên 204,7 triệu đơn vị, giá trị gần 5.714 tỷ đồng (tương ứng khoảng 27.900 đồng/cp).
Thanh khoản EIB tăng vọt nhờ giao dịch sôi động của khối ngoại. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 101,7 triệu cổ phiếu EIB, giá trị hơn 2.846 tỷ đồng trong phiên 22/12 và mua ròng hơn 43,5 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 1.254 tỷ đồng vào phiên 21/12.
Đây đều là mức bán ròng và mua ròng kỷ lục của khối ngoại tại cổ phiếu EIB trong nhiều năm qua.
Tính chung trong 2 phiên vừa qua, khối ngoại đã bán ròng 58,2 triệu cổ phiếu Eximbank, tương đương hơn 4,7% cổ phần ngân hàng này.
Những diễn biến trên xuất hiện trong bối cảnh EIB tăng giá mạnh kể đầu tháng 12 đến nay, từ mức 22.000 đồng lên 28.000 đồng/cp (hơn 27%). Trước đó, cổ phiếu này đã lao dốc vào cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11, từ mức 42.000 đồng xuống còn hơn 18.000 đồng/cp.
Tại văn bản giải trình về việc giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 09-15/11/2022, Eximbank cho biết, giá cổ phiếu EIB tăng giảm là do cung cầu của thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng.
Eximbank khẳng định hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trong thời gian qua vẫn bình thường và tăng trưởng tốt, an toàn và luôn tuân thủ đúng các quy trình của pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, sự biến động của giá cổ phiếu không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
Trong dòng chảy thông tin liên quan đến Eximbank, ngân hàng này mới đây đã quyết định chốt danh sách cổ đông vào 28/11/2022 để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến tổ chức tháng 1/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.
Cuộc họp được tổ chức để bầu bổ sung thành viên HĐQT và một số nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT được đưa ra sau khi 2 thành viên HĐQT của Eximbank liên quan đến Tập đoàn Thành Công đã có đơn từ nhiệm thời gian gần đây. Cụ thể, ngày 24/10, bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.
Trước đó, nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công đã tiến hành thoái vốn khỏi Eximbank theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Trong đó, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB. Ngoài ra, 3 tổ chức liên quan đến bà Hồng Anh là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng đã bán hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%), Hợp Tác xã Cổ phần Thành Công bán hơn 44,7 triệu cp EIB (tỷ lệ 3,637%), Công ty Cổ phần Phúc Thịnh bán hơn 12,2 triệu cp EIB (tỷ lệ 1,005%).
Ngoài 2 nhân sự trên, hồi tháng 9, ông Võ Quang Hiển cũng không còn là thành viên HĐQT Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank. Lý do miễn nhiệm là do ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank từ ngày 14/9.
Hiện, SMBC là cổ đông lớn duy nhất của Eximbank và tổ chức này cũng đang có những động thái cho thấy khả năng thoái vốn. Theo đó, ngày 18/3/2022, định chế tài chính đến từ Nhật Bản đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
Về hoạt động kinh doanh, Eximbank đang cho thấy sự trở lại mạnh mẽ khi ghi nhận lãi trước thuế 9 tháng đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 2.542 tỷ đồng, tăng 228%.
Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng năm 2022. Như vậy, sau 9 tháng, ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm.
Mới đây, Eximbank cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh 2023 để trình cổ đông thông qua. Trong đó, Hội đồng Quản trị Eximbank đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua. Theo đó, Eximbank sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần.
Như vậy, cổ đông Eximbank chuẩn bị được nhận cổ tức sau 8 năm chờ đợi. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.
Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Lần tăng vốn gần nhất diễn ra vào năm 2011 khi ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17%.
Nhịp sống Thị trường