Hơn 20 năm trước, mảnh đất 200m2 được 7 triệu đồng đủ mua chiếc xe cup, giờ lô đất có giá 2,5 tỷ đồng
"Bán lô đất 200m2 được 7 triệu đồng, bố tôi mua một con xe cúp. Ngày ấy, cả làng xuýt xoa vì gia đình tôi có điều kiện. 23 năm sau, lô đất mà bố tôi bán trước đó được định giá lên tới 2,5 tỷ đồng".
Những năm trở lại đây, cơn sốt đất đổ về làng quê, kéo theo mặt bằng giá đất tăng chóng mặt. Nếu như ngày trước, nhắc đến "đất quê", người ta thường nghĩ đến từ "rẻ". Nhưng giờ đây, muốn mua được mảnh đất 200m2, vừa làm căn nhà nho nhỏ, vừa có mảnh vườn trồng rau chẳng hề rẻ. Bởi giá mỗi lô đất quê có giá trị tới hàng tỷ đồng. Cũng do giá trị của lô đất quê ngày càng đắt đỏ mà nhiều người từng nuối tiếc khi cách đây hơn 10 năm, đã từng bán đi với mức giá rất rẻ.
Câu chuyện của Lê (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) kể lại là một ví dụ điển hình. Lê cho biết, cách đây 23 năm, bố Lê từng bán lô đất rộng khoảng 200m2 với giá 7 triệu đồng. "Nói thật ngày trước đất rộng, người ít nên mọi người ở quê chẳng bao giờ nghĩ tới việc giữ lại đất hay mua đi bán lại. Nhiều lúc mình còn nhớ, ở quê, họ hàng mà thân thiết còn cho nhau đất. Thế nên, hồi đó, nhà mình đất không sử dụng hết, đã bán đi một mảnh đất rộng khoảng 200m2 để mua một chiếc xe cúp đi lại. Bố mình bán được 7 triệu đồng".
Theo Lê chia sẻ, giá đất nông thôn ở quê những vị trí đường bê tông lớn dao động tiền tỷ. (Ảnh: NCCC)
"Ngày ấy, cả làng chỉ có 1-2 nhà có được con xe cúp. Nên nhà mình thời đó rất oách, có hẳn xe cúp cơ mà. Nhưng chỉ oách thời đó thôi. Đến hiện tại, đường xá mở rộng, lô đất nhà mình bán năm xưa đã có giá 2,5 tỷ đồng vì nằm sát đường", Lê kể thêm.
Kể lại câu chuyện về lô đất từng bán đi với mức giá rẻ, Lê tâm sự: "Nghĩ lại thấy tiếc. Nếu ngày đó mà bố mình vẫn giữ lô đất này thì bây giờ đã có hơn 2,5 tỷ đồng. Làm cả đời chưa chắc đã kiếm được 2,5 tỷ đồng. Mà nếu bán hiện tại thì đã có thể mua được vài trăm con xe cup".
Cũng mang trong mình sự tiếc nuối như Lê, Ly (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại, năm 2006, gia đình Ly có cơ hội mua lô đất tại khu đô thị Nam Cường với mức giá 200 triệu đồng.
"Gia đình mình khi ấy nhận được một suất ưu tiên chỉ với giá 200 triệu đồng. Nhưng chẳng hiểu sao ngày đó, bố mẹ mình phân vân do dự mua. Bố mẹ nghĩ rằng, tự dưng chuyển đến ở một nơi hoang sơ, hẻo lánh, lại xa hàng xóm, láng giềng họ hàng vì khi đó khu đô thị Nam Cường rất hoang vắng. Thế nên, bố mình quyết định không mua".
Đến hiện tại, không ít lần gia đình Ly thấy tiếc nuối vì quyết định nửa vời cách đây hơn 10 năm. Theo mức giá giao dịch trên thị trường hiện tại, lô đất khu đô thị Nam Cường có giá khoảng 40 triệu đồng/m2. Lô đất 100m2 sẽ có giá khoảng 4 tỷ đồng, tức gấp khoảng 20 lần.
Theo các tổ chức nghiên cứu bất động sản, cơn sốt đất đổ về làng quê những năm gần đây đã đẩy giá đất lên cao. Báo cáo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, sự xuất hiện của các nhà đầu tư về các vùng ven cũng đã làm cho đất đai sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Một số khu vực trong làng trước đây có mức giá chỉ vài triệu đồng giờ đã lên vài chục triệu đồng/m2.
Tại vùng đất quê, không chỉ có đất thổ cư mà ngay cả đất ruộng cũng được nhiều nhà đầu tư săn tìm với mức giá vài trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cho rằng, cơn sốt đất diễn ra ở một số vùng nông thôn khiến cho giá đất tăng chóng mặt. Cuộc sống của nhiều người nông dân đổi đời nhờ giá đất tăng cao. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, thực tế, một số khu vực đất ở quê tăng quá cao so với giá trị thực. Đất quê cao bằng đất thành phố đã trở thành hiện thực. Hệ lụy khiến cho những gia đình trẻ muốn mua đất sẽ gặp khó khăn.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các cơn sốt đất diễn ra chủ yếu là "sốt qua miệng cò", tức do giới "cò đất" làm giá, sử dụng các chiêu trò để đẩy giá đất lên cao song giao dịch thực tế lại không đáng kể. Vị chuyên gia này cho hay, những cơn sốt đất dù thật hay ảo cũng đều dẫn đến việc giá đất thiết lập một mặt bằng mới, trong nhiều trường hợp, mức giá đó vượt xa thu nhập của người dân và không ít có nhu cầu ở thực không thể mua nổi đất.