Hơn 20 nghìn tỷ lãi dự thu tăng trở lại trên BCTC bán niên sau soát xét của Sacombank
Theo giải trình từ Sacombank, việc ghi nhận tăng trở lại lãi dự thu là do ngân hàng này tiến hành phân loại lại hơn 20 nghìn tỷ đồng từ khoản phải thu chờ phân bổ theo đề án tái cơ cấu sang khoản lãi dự thu nhằm mục đích trình bày báo cáo tài chính.
- 22-08-2017Sacombank được niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phần hoán đổi từ NH Phương Nam
- 03-08-2017Sacombank thay đổi hàng loạt lãnh đạo ở công ty con
- 03-08-2017Sacombank đã xử lý được 2.520 tỷ đồng nợ xấu và trích lập hơn 5.000 tỷ dự phòng rủi ro
Lãi ròng tăng 22%
Theo báo cáo bán niên 2017 sau soát xét của Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank - mã: STB), lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2017 của Sacombank (ngân hàng mẹ) đạt 358 tỷ đồng, tăng tới 22% so với lợi nhuận trước soát xét (293 tỷ đồng).
Theo phía Sacombank, nguyên nhân của sự gia tăng này là do lãi mua bán chứng khoán đầu tư tăng 70,3 tỷ đồng do hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư. Ngoài ra, chi phí hoạt động giảm 52,2 tỷ đồng chủ yếu do hoàn nhập các khoản phải thu; điều chỉnh giảm 45,9 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp do đã nộp trong năm 2016.
Trong khi đó, một số chỉ tiêu khác lại điều chỉnh giảm. Thu nhập lãi thuần giảm 56 tỷ đồng (do phân bổ 50 tỷ đồng lãi dự thu theo đề án tái cơ cấu và thoái thu 6 tỷ đồng lãi do hạ nhóm đối với một số khoản vay); chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 48,1 tỷ đồng (do hoàn nhập dự phòng 1,9 tỷ đồng đối với một số khoản vay và trích lập dự phòng 50 tỷ đối với khoản bán nợ cho VAMC theo đề án tái cơ cấu).
Sau khi bù trừ, kết quả sau cùng lãi ròng điều chỉnh tăng 64,3 tỷ, tương đương tăng 22%.
Tăng trở lại hơn 20.000 tỷ lãi dự thu
Ở BCTC riêng quý II/2017 của Sacombank trước soát xét, khoản mục “Các khoản lãi, phí phải thu” giảm mạnh từ mức 25.299 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 4.704 tỷ đồng thời điểm ngày 30/6/2017, tương đương giảm 20.595 tỷ đồng.
Thực chất, con số chênh lệch này đã được chuyển sang khoản mục “Các khoản phải thu”. Các khoản phải thu của Sacombank tăng mạnh từ 16.880 tỷ đồng hồi đầu năm lên 35.561 tỷ đồng.
Việc hạch toán các khoản mục tại BCTC riêng bán niên 2017 của Sacombank trước soát xét.
Tuy nhiên, tại BCTC riêng bán niên 2017 sau soát xét, việc hạch toán lãi dự thu của Sacombank lại có sự chuyển dịch trở lại. Lãi dự thu bất ngờ tăng trở lại với lượng tăng 20.123 tỷ đồng.
Theo giải trình từ Sacombank, việc ghi nhận tăng trở lại lãi dự thu là do ngân hàng này tiến hành phân loại lại 20.132,9 tỷ đồng từ khoản phải thu chờ phân bổ theo đề án tái cơ cấu sang khoản lãi dự thu nhằm mục đích trình bày báo cáo tài chính.
Nguồn: BCTC riêng bán niên 2017 của Sacombank sau soát xét.
Còn theo ý kiến của cơ quan kiểm toán Ernst & Young Việt Nam: “Ngày 22/5/2017, Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Ngân hàng Sacombank và các kiến nghị của ngân hàng tại Đề án tái cơ cấu về một số cơ chế và giải pháp để xử lý tài chính đối với các khoản lãi dự thu, trái phiếu đặc biệt VAMC, các khoản nợ xấu, các tài sản tồn đọng và các khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần trong thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt bởi NHNN. Vì vậy, cơ sở ghi nhận, đánh giá và trình bày các khoản mục nêu trên trong BCTC riêng giữa niên độ này được ngân hàng thực hiện theo các văn bản phê duyệt của NHNN về Đề án tái cơ cấu và các kiến nghị của ngân hàng tại Đề án tái cơ cấu và được trình bày tại các thuyết minh liên quan trong BCTC riêng giữa niên độ. Kết luận soát xét của chúng tôi không liên quan đến vấn đề cần nhấn mạnh này”.
BCTC riêng lẻ bán niên 2017 sau soát xét của Sacombank cho biết thêm một số nội dung tóm tắt của các kiến nghị đã được phê duyệt. Trong đó, Sacombank sẽ được chủ động phân bổ và trích lập dự phòng dự theo năng lực tài chính của chính ngân hàng.
Cụ thể, chính sách kế toán đối với các khoản mục chính theo Đề án tái cơ cấu được NHNN Việt Nam phê duyệt:
- Lãi dự thu: Cho phép Ngân hàng khoanh số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trên báo cáo tài chính của Ngân hàng đến ngày 31/12/2015 và phân bổ dần số lãi và phí dự thu này vào chi phí hoạt động kinh doanh của Ngân hàng theo năng lực tài chính trong thời hạn tối đa 10 năm theo Đề án tái cơ cấu do Ngân hàng xây dựng.
- Dự phòng rủi ro tín dụng: Cho phép Ngân hàng thực hiện giải pháp trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro tín dụng theo năng lực tài chính theo Đề án tái cơ cấu do Ngân hàng xây dựng trong thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu.
- Trái phiếu VAMC: Cho phép Ngân hàng thực hiện việc trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC theo năng lực tài chính trong thời hạn trái phiếu VAMC.
- Các tài sản tồn đọng: Yêu cầu Ngân hàng xây dựng các biện pháp và lộ trình xử lý cụ thể, đảm bảo sớm xử lý dứt điểm các tài sản đã nhận cấn trừ nợ nhằm thu hồi vốn cho Ngân hàng. Cho phép Ngân hàng được bán nợ và các tài sản tồn đọng cho các tổ chức, cá nhân theo giá thị trường, trường hợp giá bán nợ thấp hơn dư nợ gốc thì phần chênh lệch giữa giá bán và dư nợ được phân bổ dần vào chi phí hoạt động kinh doanh của Ngân hàng theo năng lực tài chính trong thời hạn tối đa là 5 năm kể từ thời điểm bán.
- Các khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần vượt 11% vốn điều lệ công ty được góp vốn và sở hữu chéo: Chấp thuận lộ trình xử lý các khoản đầu tư, góp vốn, mua cổ phần để đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành theo Đề án tái cơ cấu do Ngân hàng xây dựng.
Trí Thức Trẻ