Hơn 2,06 triệu người kê khai tài sản trong 5 năm, 147 người bị kỷ luật do vi phạm
Ngày 24-12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
- 31-08-2024Có 4 trường hợp bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực
- 26-05-2024Kỷ luật 10 cán bộ kê khai tài sản không trung thực
- 21-11-2023Xử lý người kê khai tài sản không trung thực chưa tương xứng với thực tế
Theo báo cáo của TTCP tại hội nghị, việc thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện ở nhiều mặt công tác. Trong đó, các bộ ngành, địa phương đã chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn. Trong 5 năm qua đã có 235.271 công chức, viên chức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng là 235.271 người.
Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cũng được các bộ ngành, địa phương triển khai theo đúng quy định. Trong giai đoạn từ 2020 - 2024, đã có hơn 2,06 triệu người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, có 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Từ kết quả kiểm tra, xác minh, có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo TTCP, các bộ ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ năm 2020 đến 2024, có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, TTCP cũng chỉ rõ tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng, số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng. Hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.
Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn lớn. Các quy định của pháp luật về xử lý người có hành vi tham nhũng còn chưa đủ mạnh, chưa đủ chế tài, sức răn đe nên chưa thực sự phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa tham nhũng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận, góp ý vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị cần phát huy vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
Để thực hiện việc này, bà Liên cho rằng cần có quy định cụ thể để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp, báo chí và người dân chủ động tham gia, tránh tình trạng chỉ khi được giao nhiệm vụ hoặc được mời thì mới tham gia.
Nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, Tổng TCP Đoàn Hồng Phong cho biết sau hơn 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.
Trước hội nghị, ông Đoàn Hồng Phong nêu một số vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An...để minh chứng cho quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không ngoại lệ.
Bên cạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng, ông Đoàn Hồng Phong cho rằng các hành lang pháp lý về quản lý kinh tế - xã hội cũng cần hoàn thiện để bịt các kẽ hở, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không để các đối tượng lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Theo Tổng TTCP, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, bố trí lực lượng đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Cơ quan thanh tra cũng cần tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, nhất là kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.
Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cũng đề nghị phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác này.
Người lao động