Hơn 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Lỗ hổng hướng nghiệp
Con số hơn 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đã cho thấy những lỗ hổng trong việc định hướng nghề nghiệp ở các trường ĐH.
- 18-02-2017200.000 cử nhân thất nghiệp: Cần đánh giá đúng năng lực bản thân
- 13-02-2017Thêm 200.000 cử nhân thất nghiệp trong năm 2017
- 22-01-2017Vụ trưởng Giáo dục nói gì về 200.000 cử nhân thất nghiệp?
- 22-12-2016"200.000 cử nhân thất nghiệp không phải lỗi của ngành giáo dục"
- 18-08-2016Câu hỏi khó của Tổng giám đốc Samsung Việt Nam và chuyện 200.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong đó, nhiều người đang phải cất tấm bằng ĐH đi để chuyển sang học nghề hoặc chỉ để xin được một việc làm phổ thông đã cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian.
Nhiều cử nhân, thạc sĩ được đào tạo ra không xin được việc làm một phần đã cho thấy trình độ và kỹ năng của họ không đáp ứng được yêu cầu xã hội nên rất khó tìm việc. Vì vậy, các trường ĐH cần có sự thay đổi trong cách thức giảng dạy.
Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, hiện nay, nhiều trường ĐH giảng dạy theo cách rất hàn lâm, phần nhiều nặng về lý thuyết nên một bộ phận lớn sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm và nếu họ có đi làm thì cũng không có sự sáng tạo trong công việc nên phải đào tạo lại. Nguyên nhân là các cử nhân đã không rèn luyện đủ kiến thức và kỹ năng khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Con số hơn 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cũng cho thấy những lỗ hổng trong việc xây dựng chương trình khởi nghiệp ở các trường ĐH.
Để giải quyết thực trạng trên, Hội Khuyến học Việt Nam đã và đang tiếp tục đóng góp ý kiến với Bộ GD-ĐT, các trường ĐH về chương trình, nội dung giảng dạy để sinh viên tốt nghiệp có thể khởi nghiệp được. Ngoài ra, Hội Khuyến học cũng kiến nghị với Bộ chỉ đạo các trường ĐH xây dựng và yêu cầu sinh viên phải đạt chuẩn “đầu ra” tốt để chuẩn bị cho hành trang khởi nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Doan, việc khởi nghiệp không phải chỉ là ở những người trẻ tuổi mà những người lớn tuổi vẫn có thể thực hiện. Muốn khởi nghiệp thành công, người đó phải có kiến thức, kỹ năng tốt và cả sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu thất bại trước quyết định của mình.
Khởi nghiệp là vấn đề cốt lõi mà các trường ĐH cần quan tâm vì nếu không làm tốt được hoạt động này thì nguồn nhân lực của Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trên thế giới.
Ngành nghề nào cũng có thể khởi nghiệp được
Về vấn đề khởi nghiệp ở đội ngũ nhân lực có trình độ cao, PGS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm, ở nhiều nước phát triển trên thế giới, một trường ĐH có tới 500 chương trình khởi nghiệp cho các khoa.
Ở nước ta, nhiều người cho rằng, các trường ĐH chuyên đào tạo về Khoa học Xã hội thì khó thực hiện khởi nghiệp. Quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm vì việc đào tạo các chuyên ngành khoa học xã hội sẽ xây dựng nên thế hệ nguồn nhân lực có tính sáng tạo trong từng nghề nghiệp. Việc phát động tinh thần khởi nghiệp không chỉ ở những trường ĐH chuyên ngành Khoa học tự nhiên, kinh tế, công nghệ thông tin mà còn ở các chuyên ngành khoa học xã hội.
Đồng ý với quan điểm khởi nghiệp không chỉ từ những người trẻ tuổi có trình độ cao mà còn ở nhiều đối tượng, trình độ khác nhau, PGS.TS Phạm Tất Dong cho biết, hiện nay, Hội Khuyến học Việt Nam đang cùng với Trung tâm Giáo dục cộng đồng ở địa phương dạy cho người nông dân biết thêm nhiều nghề khác theo tình thần khởi nghiệp ngoài các ngành nghề nông nghiệp.
Chẳng hạn, ở gần nơi người dân sinh sống có các khu công nghiệp thì địa phương phải hướng dẫn cho họ cách thức làm những công việc mà khu công nghiệp yêu cầu. Người nông dân có thể khởi nghiệp từ những việc làm mới.
Năm 2017, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ đào tạo việc làm mới theo tinh thần khởi nghiệp cho 700 nông dân và 200 người khuyết tật. Đây cũng là việc làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập, chương trình khởi nghiệp đến với nhiều đối tượng khác nhau.
VOV