MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 23.000 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm tại Việt Nam, bác sĩ khẳng định việc này cần làm ngay để phòng trị hiệu quả

20-08-2024 - 21:40 PM | Sống

Ước tính nước ta mỗi năm có khoảng trên 26.000 ca mắc mới và 23.000 ca tử vong, tương đương khoảng 88% tử vong khi mắc ung thư phổi.

Ung thư chiếm 19% tổng số ca tử vong tại Việt Nam, trong đó ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ 2 và cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 kể từ năm 2012. Năm 2020, ước tính có 26.262 ca mắc mới và 23.797 ca tử vong do ung thư phổi. Hơn 90% các trường hợp ung thư phổi liên quan đến việc hút thuốc lá. Đáng tiếc, hầu hết bệnh nhân chỉ được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém.

Theo kinh nghiệm của TS. BS Su Jang Wen, chuyên gia phẫu thuật tim mạch - lồng ngực và ung thư phổi tại Trung tâm Phẫu thuật Lồng ngực tầm cỡ khu vực tại Việt Nam mới đây được đồng sáng lập bởi Bệnh viện FV (thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson) và O2 Healthcare Group (từ Singapore, thành viên của OUE Healthcare Limited), khi được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống trong 5 năm sau phẫu thuật không cần hóa trị có thể lên tới:

- 99% đối với giai đoạn 0 (ung thư phổi chưa xâm lấn).

- 92% đối với giai đoạn 1A (khối u giới hạn ở phổi, không di căn đến các cơ quan ở xa hoặc hạch bạch huyết).

Tuy nhiên, tỷ lệ sống sẽ giảm đáng kể ở các giai đoạn sau:

- Đối với giai đoạn 2, tỷ lệ sống giảm xuống 40%

- Đối với giai đoạn 3, tỷ lệ sống chỉ còn là 15%, hầu hết bệnh nhân tử vong trong vòng 1 năm sau khi được chẩn đoán.

Hơn 23.000 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm tại Việt Nam, bác sĩ khẳng định việc này cần làm ngay để phòng trị hiệu quả- Ảnh 1.

Vì vậy, bác sĩ Su cho rằng việc chúng ta cần làm ngay để phòng tránh căn bệnh ung thư phổi này là tầm soát và phát hiện sớm bệnh . Trong đó, tầm soát ung thư phổi hằng năm bằng cách chụp cắt lớp vi tính liều thấp là phương pháp được Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị, đặc biệt đối với những người từ 50 đến 80 tuổi có tiền sử hút thuốc lá.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn hợp lý kỹ thuật điều trị cho các bệnh lồng ngực cũng rất quan trọng. Bác sĩ Su chia sẻ trong số hơn 7.000 ca phẫu thuật phổi, tim và thực quản mà ông đã thực hiện từ năm 2007, tới 95% ca được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) - một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu với vết mổ chỉ từ 1,5-3cm. Đây là kỹ thuật tiên tiến mang lại tỷ lệ thành công cao trong việc điều trị nhiều bệnh lý lồng ngực, bao gồm ung thư phổi, u trung thất, phẫu thuật thành ngực, bệnh lý màng phổi, phẫu thuật dây thần kinh giao cảm và phẫu thuật thực quản. Chính nhờ điều này, bác sĩ Su đã duy trì một kỷ lục ấn tượng với tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật bằng 0 trong các ca phẫu thuật tự chọn.

Theo Mỹ Diệu

Phụ nữ mới

Trở lên trên