Phát hiện ung thư phổi giai đoạn 4 từ một kiểu ho, người đàn ông 45 tuổi ôm mặt chực khóc ngay ở bệnh viện tuyến đầu
Ngồi ngoài sảnh, anh nhanh chóng rút điện thoại gọi thông báo cho người thân: "Có kết quả khám rồi, bác sĩ bảo ung thư phổi giai đoạn 4. Ôi sao nó lại nhanh đến thế?"...
- 21-06-2024Người phụ nữ 30 tuổi sốc vì mắc ung thư phổi giai đoạn cuối: Có 1 dấu hiệu suốt 6 tháng nhưng bỏ qua
- 08-06-2024Ung thư phổi đến, chân sẽ có dấu hiệu: Thấy 3 điểm bất thường ở cả 2 chân, hãy chụp CT càng sớm càng tốt
- 23-05-2024Tưởng chỉ cảm lạnh, người đàn ông bất ngờ nhận tin ung thư phổi: Triệu chứng cảnh báo hơn 1 tuần nhưng bị bỏ qua
Đứng ngoài sảnh của Bệnh viện K Tân Triều vì quá đông và nóng bức, một người đàn ông ôm mặt chực khóc: "Sao nhanh thế nhỉ? Tôi phải làm gì đây?". Câu hỏi thể hiện sự bất lực, người xung quanh đổ mắt nhìn vì hiếu kỳ, sau đó nhanh chóng bỏ qua. Ở Bệnh viện K, mỗi người mỗi cảnh là thế.
Không quan tâm xung quanh, người đàn ông nhanh chóng rút điện thoại gọi thông báo cho người thân: "Có kết quả khám rồi, bác sĩ bảo ung thư phổi giai đoạn 4. Ôi sao nó lại nhanh đến thế?"... Cuộc điện thoại kết thúc, anh nhanh chóng gọi cho người tiếp theo, vẫn những lời thông báo tương tự với gương mặt đau khổ, bất lực.
Đó là anh Tâm (*), 45 tuổi, quê Hải Dương. Sáng nay, anh lên Bệnh viện K Tân Triều để khám bệnh theo lời hối thúc của gia đình. Ngồi bên tường của bệnh viện, anh kể, mình xuất hiện hiện tượng ho kéo dài nhiều tháng nay. Ngày trước, anh cũng có những đợt ho kéo dài như vậy. Đó là thời điểm sau khi bị Covid-19 vào năm 2022. Tình trạng ho dai dẳng khiến anh nghĩ đơn giản là hiện tượng hậu Covid-19.
"Thế nhưng gần đây, thỉnh thoảng tôi ho kèm hiện tượng ra máu. Tôi nghĩ là ho nhiều quá thì có máu cũng bình thường thôi, cũng định bỏ qua chẳng thăm khám gì. Trước giờ tôi vẫn sức thanh niên, chẳng mấy khi ốm đau bệnh tật. Vậy mà đùng một cái, làm các xét nghiệm sáng nay xong thì có kết luận ung thư phổi giai đoạn 4. Tôi sốc vô cùng", anh Tâm tâm sự.
Anh Tâm kể, mình là trụ cột của gia đình. Rồi đây vợ anh và 2 con anh sẽ phải sống thế nào? Ung thư phổi giai đoạn 4 rất khó có thể kéo dài thời gian sống. Anh nghĩ thôi đã thấy đau lòng. "Hối hận quá, giá như đi khám ngay từ đợt đầu có hiện tượng ho như này, giá như không tự kết luận là hậu Covid-19, có lẽ tôi đã có thể sống thêm được nhiều năm hơn", anh Tâm nghẹn giọng.
Theo BS Nguyễn Văn Thái (chuyên ngành ung thư và phẫu thuật thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội), ho dai dẳng kéo dài là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi. Do đó khi tình trạng ho dai dẳng kéo dài, đừng ngồi đợi tự hết hay tự chẩn đoán bệnh. Tốt nhất, bạn nên đi thăm khám bác sĩ để được phát hiện bệnh lý thực sự và có hướng xử lý càng sớm càng tốt.
Chuyên gia đặc biệt khuyến cáo các trường hợp hút thuốc, không thể bỏ thuốc lá, nếu có hiện tượng ho như vậy thì không nên chần chừ. Những trường hợp này rất nên tầm soát ung thư định kỳ 6 tháng/lần.
Ngoài ho dai dẳng kéo dài, ung thư phổi còn có những dấu hiệu cảnh báo khác
Theo Mayo Clinic, ung thư phổi thường không gây ra triệu chứng sớm. Các triệu chứng của ung thư phổi thường xuất hiện khi bệnh đã tiến triển.
- Xuất hiện cơn ho dai dẳng, không dứt.
- Đau tức ngực.
- Ho ra máu, ngay cả khi chỉ có một lượng nhỏ.
- Khàn giọng.
- Khó thở.
- Thở khò khè.
Các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra khi ung thư phổi di căn đến các bộ phận khác của cơ thể có thể bao gồm:
- Đau nhức xương.
- Đau đầu.
- Sút cân không rõ lý do.
- Chán ăn.
- Sưng vùng mặt hoặc cổ.
Cách phòng chống ung thư phổi hiệu quả
1. Không hút thuốc lá
Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng bắt đầu.
Ngoài ra, hãy nói chuyện với con bạn về việc không hút thuốc để chúng có thể hiểu cách tránh yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổi này. Bắt đầu trò chuyện về mối nguy hiểm của việc hút thuốc với con bạn từ sớm để chúng biết cách phản ứng với áp lực từ bạn bè.
2. Bỏ thuốc lá
Bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ ung thư phổi, ngay cả khi bạn đã hút thuốc trong nhiều năm. Hãy thử trao đổi với các chuyên gia những giải pháp có thể giúp bạn bỏ thuốc lá. Các lựa chọn bao gồm các sản phẩm thay thế nicotine, thuốc men và nhóm hỗ trợ.
3. Luôn tránh xa khói thuốc lá
Nếu bạn sống hoặc làm việc với người hút thuốc, hãy thúc giục họ bỏ thuốc. Nếu không, hãy yêu cầu họ hút thuốc ở bên ngoài. Tránh xa những nơi mọi người hút thuốc, chẳng hạn như quán bar...
4. Kiểm tra nồng độ radon trong nhà
Kiểm tra nồng độ radon (một chất khí phóng xạ không màu, không mùi, không vị có nguồn gốc từ mặt đất) trong nhà, đặc biệt nếu bạn sống ở khu vực mà radon được biết là một vấn đề đáng quan tâm. Bộ dụng cụ kiểm tra radon thường được bán tại các cửa hàng kim khí và có thể mua trực tuyến.
5. Tránh xa các chất gây ung thư tại nơi làm việc
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân khỏi tiếp xúc với các hóa chất độc hại tại nơi làm việc. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa của chủ lao động. Ví dụ, nếu bạn được cung cấp khẩu trang để bảo vệ, hãy luôn đeo khẩu trang. Hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn xem bạn có thể làm gì thêm để bảo vệ bản thân tại nơi làm việc. Nguy cơ tổn thương phổi do chất gây ung thư tại nơi làm việc của bạn tăng lên nếu bạn hút thuốc.
6. Ăn nhiều trái cây và rau quả
Chọn chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại trái cây và rau quả. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin và chất dinh dưỡng là tốt nhất.
7. Tập thể dục đều đặn
Nếu bạn không tập thể dục thường xuyên, hãy bắt đầu từ từ. Cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần để cơ thể luôn khỏe mạnh.
(* Tên nhân vật đã thay đổi)
Tổ Quốc