MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 2.500 tỷ đồng rót vào lưới điện Thái Nguyên, chuẩn bị bệ phóng đón "đại bàng" mới

Nhu cầu điện tại Thái Nguyên được dự báo tăng mạnh trước làn sóng đầu tư mới của các đại bàng.

Hơn 2.500 tỷ đồng rót vào lưới điện Thái Nguyên, chuẩn bị bệ phóng đón "đại bàng" mới- Ảnh 1.

Trong những năm gần đây, Thái Nguyên đã chứng kiến sự bùng nổ về hoạt động sản xuất công nghiệp, đưa giá trị sản xuất của tỉnh lọt vào top đầu cả nước. Điều này không chỉ minh chứng cho sự phát triển kinh tế vượt bậc mà còn khẳng định vị thế của Thái Nguyên như một trung tâm công nghiệp trọng điểm của miền Bắc.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy sự phục hồi của kinh tế Thái Nguyên nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Đó là cơ sở để Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tăng 8,5% trong năm 2024.

Nhận thấy rõ sản xuất công nghiệp là động lực chính đưa kinh tế phát triển, tỉnh đã lên kế hoạch thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư. Trong nhiều năm qua, Thái Nguyên đã trở thành "đất lành" cho nhiều "đại bàng" như Samsung, Masan, Trina Solar (Trung Quốc)... đến xây tổ.

Theo Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư mới cho 20 dự án với tổng số vốn trên 10.000 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án với số vốn trên 989 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 890 dự án, với tổng số vốn đăng ký 86.557 tỷ đồng. Những con số này một lần nữa cho thấy Thái Nguyên đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn cho các "đại bàng" đầu tư.

Hiện nay, thu hút dòng vốn chất lượng cao ở các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ xanh… - những lĩnh vực then chốt tạo sự phát triển bền vững đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các địa phương. Trước làn sóng đầu tư mới, Thái Nguyên, một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng, không đứng ngoài cuộc.

Do đó, Thái Nguyên đang quy hoạch trên 6.000ha đất phục vụ phát triển công nghiệp gồm: 4.245ha đất phát triển KCN, 2.067ha đất phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, tỉnh mở rộng 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, phát triển 41 cụm công nghiệp. Qua đó thấy được Thái Nguyên đang xây dựng nền tảng vững chắc cho sự bùng nổ đầu tư trong tương lai.

Để đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp mới và hỗ trợ sự phát triển bền vững, việc đầu tư vào hạ tầng điện là một yếu tố then chốt. Hạ tầng điện đồng bộ không chỉ giúp cung cấp điện ổn định mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thu hút thêm đầu tư vào tỉnh. Điều này tạo nên một vòng lặp tích cực, nơi sự phát triển của cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế, đồng thời tăng cường nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Phát triển lưới điện tỉnh Thái Nguyên là một yếu tố thiết yếu trong việc hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của tỉnh. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện, trong giai đoạn 2019 - 2024, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã và đang triển khai 17 dự án 110kV và 90 công trình trung hạ áp, với tổng số vốn đầu tư là 2.580 tỷ đồng cho lưới điện tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, lưới điện 110kV được đầu tư 1.550 tỷ đồng, còn lại là lưới THA và đầu tư khác.

Đáng chú ý, dự án xây dựng Trạm biến áp 220kV Phú Bình 2 và đường dây 220kV Phú Bình 2 rẽ Thái Nguyên – Bắc Giang, tỉnh Thái Nguyên là một trong những công trình được đặc biệt quan tâm. Dự án mới khởi công vào đầu tháng 8 và dự kiến vận hành vào năm 2025.

Với tiến độ dự án rất gấp, EVN đã chuyển giao nhiệm vụ cho EVNNPC triển khai thực hiện Dự án để kịp thời bổ sung nguồn cấp cho lưới điện khu vực.

Đánh giá được mức độ quan trọng và nhu cầu cấp thiết của dự án, EVNNPC đã bổ sung công trình trên vào danh mục các công trình trọng điểm để Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm của Tổng công ty điều hành với tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhất.

Được sự hỗ trợ kịp thời của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Phú Bình, Tổng công ty đã hoàn thành cơ bản thủ tục, hồ sơ dự án rất nhanh chóng như: phê duyệt FS trong 03 tháng, duyệt thiết kế kỹ thuật trong 03 tháng.

Dự án triển khai phù hợp với Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia; sẽ bổ sung thêm nguồn cấp 220kV, giảm tình trạng mang tải cao của lưới điện khu vực, đáp ứng nhu cầu, tăng trưởng phụ tải, độ tin cậy cung cấp điện của các KCN trọng điểm nói riêng và tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, theo kế hoạch đến năm 2025, EVNNPC sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 130 tỷ đồng cho lưới điện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo lưới điện vận hành ngày một ổn định, tin cậy, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Việc đầu tư mạnh mẽ vào lưới điện tại Thái Nguyên không chỉ bảo đảm cung cấp điện ổn định mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các "đại bàng" mở rộng sản xuất. Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chính quyền địa phương và sự quyết tâm của EVNNPC, tỉnh Thái Nguyên đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hướng đến một tương lai bền vững và thịnh vượng.

PV

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên