MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch

29-08-2023 - 07:52 AM | Xã hội

Ngày 28/8, tại hội nghị cho ý kiến dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết về tên gọi vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau.

Theo báo cáo của Bộ Công an, sơ bộ hiện nay có khoảng hơn 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, thực tế gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật.

Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân. Nội dung Luật Căn cước cũng đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và những người chưa có đầy đủ các quyền của công dân Việt Nam. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với loại ý kiến này. Còn loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân, giữ ổn định các quy định của pháp luật hiện hành, các loại giấy tờ, thủ tục hành chính, dân sự, không tác động đến tâm lý của một bộ phận người dân.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách ủng hộ đổi tên thành Luật Căn cước cũng như thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp), việc đặt tên là thẻ căn cước sẽ đảm bảo gọn gàng của tên gọi. Trước một số ý kiến cho rằng, việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, tuy nhiên, theo ông, dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ. Do vậy, việc này sẽ không gây tốn kém như lo lắng của các đại biểu.

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) phân tích, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch... Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc.

“Với các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội”, bà Nga cho hay.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), luật này phục vụ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam. Ông đề nghị cần đánh giá toàn diện tên gọi và cân nhắc kỹ hơn có nên đưa một bộ phận nhỏ này vào trong luật hay không. Đồng thời, cần xem xét quy định như vậy có phù hợp và đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác.

Theo Thanh Nam

tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên