MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 350.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

10-05-2024 - 13:09 PM | Bất động sản

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gần 350.880 tỷ đồng

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gần 350.880 tỷ đồng

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản đến tháng 3/2024 là 350.876 tỷ đồng.

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gần 350.880 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa có báo cáo số 3768/BTC-QLCS về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo đó, trong giai đoạn 2015 – 2023 có 330 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước với tổng giá trị phát hành hơn 726.335 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3,69% năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 10,15%/năm. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản đến tháng 3/2024 là 350.876 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2015 - 2023, có 4 doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng là 2,18 tỷ USD.

Theo quy định hiện hành, hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí đối với bất động sản thời gian qua đã cơ bản bao quát đầy đủ các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả 3 giai đoạn.

Trong số đó bao gồm xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản; sử dụng, khai thác bất động sản và chuyển nhượng thị trường bất động sản minh bạch, bền vững, tạo nguồn thu nhập ổn định cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, số thu về thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản từ năm 2017 đến năm 2023 tăng qua các năm. Năm 2018 tăng 19,82%, năm 2019 tăng 11,44%, năm 2020 tăng 12,22%, năm 2021 tăng 30,4 % và cao nhất là năm 2022 với tỷ lệ tăng 64,34% so với số thu năm 2021. Bước sang năm 2023 chống thất thu thuế từ hoạt động chuyên nhượng bất động sản vẫn được các địa phương chú trọng triển khai, tuy nhiên do thị trường bất động sản đang trong thời điểm rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phâm nhà ở không hợp lý… nên lượng giao dịch trên thị trường sụt giảm.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ Tài chính đã thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Số tiền cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý tài chính chủ yếu liên quan đến tiền sử dụng đất, kê khai nộp thiếu các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai thuế suất ưu đãi…

Trong danh sách 13 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản bị kiến nghị 1.182,8 tỷ đồng; trong đó kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 255,7 tỷ đồng, xử lý tài chính khác là 999,8 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này gồm có: Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico), Công ty CP Kosy, Tổng công ty 319 BQP, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) nợ hơn 8,2 tỷ đồng, Tổng công ty IDICO-CTCP, Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex Bình Dương)….

Đến ngày 31/12/2023, 13 doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản được thanh tra đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các kiến nghị và nộp ngân sách. Chỉ còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện xong do vướng mắc về xác định giá trị tiền sử dụng đất, phân bổ chi phí hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng tài sản… dẫn đến chậm quyết toán, chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng kiến nghị đối với 6 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thanh tra trong lĩnh vực thanh tra hành chính; trong đó có những cái tên đáng chú ý như: Công ty TNHH Trainco Bình Định, Công ty CP đầu tư và xây dựng công trình 578, Công ty CP bất động sản dầu khí... Tổng số tiền thuế đã kiến nghị truy thu nộp ngân sách 237,4 tỷ đồng (chủ yếu trong việc kê khai và nộp thiếu các loại thuế như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiêp, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai thuế suất ưu đãi...).

Bộ Tài chính cũng cho biết, đến thời điểm 31/12/2023, các đơn vị và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản được thanh tra đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các kiến nghị (nộp ngân sách trên 236 tỷ đồng).

Hơn 350.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản- Ảnh 1.

Tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường

Quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp bất động sản

Đối với việc thực hiện phát triển nhà ở xã hội, Bộ Tài chính cho biết, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất được để lại toàn bộ cho ngân sách địa phương. Hiện nay kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Theo quy định của Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư và tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; do vậy, để bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội và thực hiện chính sách nhà ở xã hội nói chung; Bộ Tài chính chỉ phối hợp tham gia ý kiến với các đơn vị khi có yêu cầu.

Thời gian qua, không nhận được văn bản của Bộ Xây dựng yêu cầu phối hợp trong việc chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội, về quản lý giá dịch vụ quản lý vận hành nhà ở xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư không bố trí nguồn để cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định; do đó các tổ chức tín dụng này chưa triển khai cho vay Chương trình theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với nhiều quy định về phát triển nhà ở xã hội; vay vốn ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.

Bộ Tài chính cho rằng để doanh nghiệp bất động sản có thể hấp thụ các nguồn vốn mới, các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để. Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bât động sản; quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài). Đồng thời, các cơ quan chức năng bên cạnh việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính nhiều rủi ro, cần có những chính sách bảo vệ các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị, tiếp tục tổng hợp các vướng mắc trong áp dụng chính sách pháp luật liên quan gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, có giải pháp để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường.

Đồng thời, để quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, đảm bảo năng lực tài chính phù hợp với việc triển khai các dự án được cấp phép để giảm thiểu rủi ro cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cần nghiên cứu bổ sung các quy định khi thành lập doanh nghiệp bất động sản hoặc cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án bất động sản đảm bảo các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng tăng cường quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, minh bạch; giám sát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, cấp phép mở bán các dự án, hoạt động giao dịch của các sàn giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản…

Theo PV

VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên