Trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong quý 2 với khoảng 72.000 tỷ đồng, áp lực đè nặng lên các doanh nghiệp bất động sản
Chuyên gia của MBS ước tính tổng giá trị TPDN đáo hạn lớn nhất sẽ rơi vào quý 2 năm nay với khoảng tầm 72.000 tỷ đồng (đã trừ đi các khoản mua lại). Đặc biệt, áp lực thanh toán vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp bất động sản khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn.
- 23-04-2024Gần 78.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn từ nay đến cuối năm 2024
- 17-04-2024Vingroup đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 12,5%/năm
- 08-04-2024Doanh nghiệp bất động sản “đua nhau” mua lại trái phiếu trước hạn
Bộ Xây dựng nêu tại báo cáo quý 1/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo số liệu tổng hợp thì khối lượng phát hành quý 1/2024 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn. Cụ thể năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41,4%.
Lũy kế trong quý có 14 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 13.060 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng.
Theo dữ liệu báo cáo các tháng trong quý 1/2024 của Hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, cụ thể như sau:
Trong tháng 1, có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1.650 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng trong tháng 1/2024. So với các tháng 12/2023, giá trị phát hành đã sụt giảm đáng kể từ mức trung bình khoảng 43.000n tỷ đồng, tương đương giảm 91%. Các doanh nghiệp đã mua lại 7.394 tỷ đồng, giảm 31,1% so với cùng kỳ năm 2023. Có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 8.432 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 5 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.
Trong tháng 2/2024, có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1.165 tỷ đồng; giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023. Các doanh nghiệp đã mua lại 2.056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Trong tháng 3/2024, có 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 8.745 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã mua lại 8.031 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2023. Có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 4.851 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 27 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Bộ Xây dựng nêu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, tích cực triển khai quyết liệt về việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dần từng bước đi vào ổn định và đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng vừa có báo cáo thị trường trong tháng 4 (tính đến ngày 24/4), lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt hơn 36.600 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lãi suất TPDN bình quân gia quyền trong 4 tháng đầu năm ước khoảng 9,9%, cao hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, bất động sản là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 16.400n tỷ, (giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái) chiếm tỷ trọng 45%, lãi suất bình quân gia quyền là 12,3%/năm, kỳ hạn bình quân 2,5 năm.
Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Vinhomes (6.000 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup – CTCP (6.000 tỷ đồng), CT TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2.500 tỷ đồng).
Trong tháng 4, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 7.600 tỷ đồng, giảm 48% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 28.800 tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 43% so với cùng kỳ.
Áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh trong quý 2, hai nhóm ngành ngân hàng và bất động sản vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn.
Chuyên gia của MBS ước tính tổng giá trị TPDN đáo hạn lớn nhất sẽ rơi vào quý 2 năm nay với khoảng tầm 72.000 tỷ đồng (đã trừ đi các khoản mua lại). Trong đó nhóm ngân hàng và bất động sản lần lượt chiếm 32% và 27%. Đặc biệt, áp lực thanh toán vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp bất động sản khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, các khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trong triển khai thực hiện dự án chưa được tháo gỡ, các doanh nghiệp cần thời gian để cân đối lại dòng tiền hoạt động trong khi khả năng chả nợ của các doanh nghiệp vẫn đang ở mức yếu.
Trong tháng 4 không ghi nhận bất kỳ thông tin trái phiếu trái phiếu chậm trả nào. Hiện tại, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 193.600 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.