Hơn 4 tỷ USD, 173 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản làm Hưng Yên bừng sáng
Ngày 27/9, kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Hưng Yên tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp Nhật Bản đã có đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
- 27-09-2023Cơ bản hoàn thành tái định cư vùng Dự án sân bay Long Thành
- 27-09-2023Bay quốc tế phục hồi mạnh, trừ 2 thị trường
- 27-09-2023Chỉ trong 1 tháng, một tỉnh nghèo vượt Bắc Ninh, Đồng Nai, vào CLB "tỷ đô vốn FDI" trong 9 tháng 2023
Đây cũng là dịp để Hưng Yên giới thiệu nhiều hơn tới các nhà đầu tư Nhật Bản về môi trường đầu tư, cơ hội, chính sách thu hút đầu tư của địa phương; đồng thời tạo điều kiện để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, các cơ quan, đơn vị liên quan chia sẻ về môi trường đầu tư tại Hưng Yên.
Nhật Bản đứng đầu về dự án và tổng vốn đầu tư vào Hưng Yên
Theo ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, hội nghị là hoạt động vô cùng ý nghĩa, thiết thực, thể hiện tình cảm gắn kết trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với tỉnh Hưng Yên. Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản có nền tảng vững chắc dựa trên nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử, cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau và đặc biệt là tình cảm hữu nghị và sự nỗ lực hướng tới tương lai của chính phủ và nhân dân hai nước.
Từ năm 2015, tỉnh Hưng Yên đã kết nghĩa, ký thỏa thuận hợp tác với các tỉnh Kanagawa và thành phố Nikaho của Nhật Bản.
Cho đến nay, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các quốc gia đầu tư tại tỉnh Hưng Yên, với số dự án với 173 dự án, tổng vốn đăng ký 4.054 triệu USD, chiếm 61% tổng vốn trực tiếp nước ngoài đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Điển hình trong số các doanh nghiệp đến đầu tư tại Hưng Yên là Tập đoàn Sumitomo làm chủ đầu tư Khu công nghiệp Thăng Long II; KCN được thành lập từ năm 2006 với quy mô ban đầu là 219,6 ha. Trải qua 17 năm phát triển, nay đã mở rộng giai đoạn 3 với quy mô khoảng 525 ha, lấp đầy trên 60% diện tích có thể cho thuê.
Nói về tiềm năng của tỉnh Hưng Yên - nơi tự hào có Phố Hiến là trung tâm kinh tế, đô thị lớn và thương cảng nổi tiếng phía Bắc của Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII - ông Văn cho biết, hiện nay, với vị trí nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ Sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp với cửa ngõ phía Đông của thủ đô Hà Nội, gần sân bay Nội Bài và các cảng biển lớn của miền Bắc, tỉnh Hưng Yên có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp.
Từ các Khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên, thời gian di chuyển đến thủ đô Hà Nội chỉ mất 25 phút; đến cảng Hải Phòng khoảng 1 tiếng; đến sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 40 phút; là điều kiện vô cùng lý tưởng cho các hoạt động giao thương.
Năm 2022, thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt 51.400 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 khoảng 12,8%, Thu nhập bình quân đầu người năm đạt 101,84 triệu đồng; Trong 8 tháng đầu năm 2023, Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,21% (thuộc top khá của cả nước).
" Đạt được những thành quả nêu trên, phần lớn nhờ vào sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản ", ông Văn nhấn mạnh.
Phát huy thế mạnh, đẩy nhanh thu hút đầu tư FDI
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tại Hưng Yên, hạ tầng điện được tập trung đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp và đời sống của nhân dân, cung cấp điện năng liên tục đảm bảo cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp tại 17 Khu công nghiệp đang hoạt động và 13 khu công nghiệp thành lập mới đến năm 2030.
Hưng Yên cũng có ưu thế về lực lượng lao động dồi dào, dân số trên 1,27 triệu người, có trên 700.000 người trong độ tuổi lao động chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, lao động đã qua đào tạo trên 50%; là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, do gần thủ đô Hà Nội, có khả năng tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, nên đảm bảo nhu cầu về nguồn nhân lực lao động đáp ứng nhu cầu phát triển của sản xuất công nghiệp.
Trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên cũng đã thu hút nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu nhà ở, khu đô thị chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế như: Khu đô thị sinh thái Ecopark (499 ha), khu đô thị Khu đô thị sinh thái Dream City (445,4 ha), khu đô thị Đại An (293,96 ha)…
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng đã đẩy nhanh việc quy hoạch kêu gọi thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho người lao động, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 16 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; kế hoạch đến năm 2025, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân triển khai đúng tiến độ sẽ bảo đảm giải quyết nhu cầu về nhà ở tại các khu công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung.
Chưa dừng lại ở những tiềm năng này, với mong muốn giúp tỉnh "thức giấc", UBND tỉnh cam kết sẵn sàng lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp; quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ công nhân và doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “Hỗ trợ và phục vụ” nhà đầu tư vào các KCN; triển khai mô hình “Một cửa tại chỗ” tại các KCN, nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, hạn chế thời gian đi lại và các chi phí phát sinh khi thực hiện các thủ tục hành chính.
" Qua đó củng cố niềm tin trong cộng đồng các nhà đầu tư khi đầu tư trên địa bàn tỉnh ”, ông Trần Quốc Văn nhấn mạnh.
60% doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư ở Việt Nam
Cũng tại hội nghị, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội đánh giá, nền kinh tế nội địa của Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện, tăng trưởng cao hơn so với các nước xung quanh; các hoạt động sản xuất, dịch vụ trực tiếp, du lịch, công nghệ thông tin/kỹ thuật số khá ổn định.
Ngoài ra, Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong các “công xưởng của thế giới”, Việt Nam cũng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu nông thủy sản, xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin.
Khảo sát JETRO năm 2022 về các công ty Nhật Bản mở rộng ra kinh doanh ở nước ngoài cho thấy, có 597 doanh nghiệp (chiếm tới 60%) muốn đầu tư ở Việt Nam. Kể từ sau dịch COVID-19, các thương hiệu MUJI, Matsukiyo, ABC Mart…đã tham gia thị trường Việt Nam.
Trong đó, Aeon Mall có kế hoạch mở rộng hơn nữa mạng lưới của mình thêm 6 cửa hàng và Uniqlo thêm 17 cửa hàng. Quy mô thị trường thương mại điện tử bằng 1/10 so với cửa hàng thực tế (vấn đề thanh toán và logistic).
Cũng theo vị đại diện của JETRO, xu hướng đầu tư trong tương lai của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chú trọng vào các lĩnh vực mới như chất bán dẫn, thiết bị y tế, liên quan đến xe điện, hậu cần và trung tâm dữ liệu; Đường cao tốc địa phương, phát triển khu công nghiệp; đầu tư tự động hóa...
vtc.vn