MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 40 hãng hàng không đã phá sản hoặc tạm dừng hoạt động

09-10-2020 - 18:52 PM | Tài chính quốc tế

Công ty dữ liệu hàng không Cirium cho biết, 43 hãng hàng không thương mại đã ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm thời kể từ tháng 1/2020 do tác động của dịch COVID-19.

Dự báo khoảng 485 tàu bay sẽ bị cho tạm ngừng khai thác trong năm 2020. Hơn 400.000 việc làm trong ngành hàng không đã bị cắt giảm.

"Nếu không có sự can thiệp từ Chính phủ, lẽ ra sẽ có hàng loạt vụ phá sản trong 6 tháng đầu của cuộc khủng hoảng này. Thay vào đó, số vụ phá sản vẫn đang trong tầm kiểm soát và rất ít hãng sụp đổ", Brendan Sobie, chuyên viên phân tích độc lập tại Sobie Aviation, nhận định.

Sobie Aviation cho biết nhiều hãng hàng không vốn đã gặp khó khăn trước khi đại dịch ập đến, nhưng hiện "khả năng sống sót" của các hãng này còn cao hơn nhờ sự trợ giúp của Chính phủ.

“Nếu có chăng một điều gì đó may mắn đến với các hãng hàng không trong đại dịch lần này thì đó là tình hình trở nên quá tệ đến nỗi các Chính phủ chẳng còn cách nào khác ngoài hỗ trợ hàng không”, Rob Morris, Trưởng bộ phận tư vấn tại Cirium, nhận định.

Tuy vậy, triển vọng của năm 2020 vẫn còn chưa mấy sáng sủa cho dù có gói hỗ trợ tài chính, ông Morris nói.

Hơn 40 hãng hàng không đã phá sản hoặc tạm dừng hoạt động - Ảnh 1.

Các hãng hàng không có thể phá sản vì mô hình kinh doanh yếu kém hoặc các vấn đề khác. (Ảnh minh họa: Reuters)

Đáng chú ý, các hãng hàng không quy mô lớn đã và đang bị tác động mạnh trong đại dịch lần này, ông Morris chỉ ra.

Trong số 43 hãng hàng không phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động tại thời điểm này trong năm 2020, 20 hãng đang vận hành ít nhất 10 tàu bay, thấp hơn mức 12 tàu bay của năm 2019, dữ liệu từ Cirium cho thấy.

"Rõ ràng, đại dịch đang tác động tới các hãng hàng không lớn và khiến họ sụp đổ", ông Morris cho biết.

Kết quả là số tàu bay ngưng hoạt động cũng cao hơn. Khoảng 485 tàu bay đã "nằm đắp chiếu" trong năm 2020, cao hơn mức 431 của năm 2019 và 406 của năm 2018.

Các hãng hàng không có thể phá sản vì mô hình kinh doanh yếu kém hoặc các vấn đề khác, ông Morris nhận định.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo, ngành hàng không sẽ phải tiêu tốn 77 tỷ USD tiền mặt trong 6 tháng cuối năm 2020 và tiếp tục mất 5 - 6 tỷ USD/tháng trong năm 2021 vì đà hồi phục chậm chạp. Lưu lượng hành khách chỉ có thể trở lại mức trước dịch vào năm 2024.

Hiện nhiều quốc gia đã phải tung ra các gói hỗ trợ khẩn cấp để giải cứu ngành hàng không.

Theo Anh Đặng

VTV.VN

Trở lên trên