Hơn 50 năm ở… nhầm đất
Hơn 50 năm qua, 268 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu thuộc diện quản lý của tỉnh Nghệ An nhưng lại đang sinh sống trên địa giới hành chính của tỉnh Thanh Hóa. Điều đó khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như phát triển kinh tế, đồng thời đẩy chính quyền địa phương vào nhiều tình huống khó giải quyết.
- 06-10-2023Đất làng nơi lên giá bạc tỷ, nơi phải tạm dừng giao dịch
- 06-10-2023Đấu giá 110 thửa đất huyện ngoại thành Hà Nội
- 06-10-2023Lận đận tìm chủ đầu tư dự án khách sạn 5 sao trên "đất vàng" ở Quy Nhơn
Người dân nói khó
Hiện nay ở thôn 10, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) có 925 nhân khẩu "ở nhờ" trên đất của xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa). Điều này đang gây ra nhiều bất cập cho đời sống của người dân cũng như trong quản lý nhân khẩu của chính quyền sở tại.
Bà Nguyễn Thị Hiền - một người dân sinh ra và lớn lên tại đây cho biết: Nếu tính cả đất ở, đất vườn của gia đình bà đang sở hữu hơn 2.000m2, ngặt nỗi là không có sổ đỏ. Thời điểm giá đất lên cao, ở thôn bên cạnh người ta bán được 300 triệu đồng/1m chạy dài, nhưng giá trị đất của gia đình chỉ được định giá bằng 1/3 vì không có sổ. Nếu có giao dịch về đất đai thì cũng chỉ người trong xóm mua bán với nhau. Nhiều lúc cần vốn để kinh doanh, buôn bán nhưng cũng đành chịu vì không có sổ đỏ để thế chấp, vay ngân hàng. "Không riêng gì nhà tôi mà ở khu này nhà nào cũng thế. Ở thì trên đất Thanh Hóa nhưng thuế và các khoản đóng góp thì chúng tôi nộp về xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Các thủ tục hành chính thì vẫn được UBND xã hỗ trợ nhưng một số công trình xã hội, đường sá thì không được quan tâm như nơi khác vì liên quan đến vị trí đất không phải do tỉnh Nghệ An quản lý” - bà Hiền phân trần.
Ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng thôn 10, xã Quỳnh Lộc cho biết: Từ những năm 1964, có khoảng 20 hộ dân được chính quyền xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) vận động đi khai hoang ở vùng đất giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa. Sau nhiều năm sinh sống, dân số ngày càng đông, hiện nay đã có gần 300 hộ sinh sống tại đây. Qua quá trình rà soát, kiểm tra, các cơ quan chức năng xác định vị trí đất mà các hộ dân đang sinh sống thuộc địa giới hành chính của tỉnh Thanh Hóa quản lý.
Theo ông Trường, đây là vấn đề lịch sử để lại, bắt nguồn từ việc di dân theo chính sách vào đầu những năm 1960. Theo thống kê, hiện nay thôn 10 có 440 hộ với khoảng 1.400 nhân khẩu. Trong số này có tới 268 hộ với 925 nhân khẩu đang sinh sống trên địa giới của thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm. Tổng số diện tích đất thuộc địa giới tỉnh Thanh Hóa mà người dân thôn 10 đang sử dụng, canh tác khoảng 30ha. "Chúng tôi chỉ biết kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét cấp sổ đỏ cho người dân. Mặc dù 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã nhiều lần họp bàn về vấn đề này nhưng chưa đưa ra được giải pháp. Người dân ở đây không chịu sáp nhập về Thanh Hóa vì còn nguồn gốc, tổ tiên. Còn nếu cắt đất của Thanh Hóa cho Nghệ An thì không ai đồng ý do liên quan đến điều chỉnh địa giới hành chính nên rất khó" - ông Trường nói.
Theo quan sát của chúng tôi, tại đây, nhà cửa được người dân xây dựng kiên cố, nằm san sát nhau trên địa giới hành chính của xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Kể cả khu nhà văn hóa thôn 10, xã Quỳnh Lộc cũng không ngoại lệ.
Chính quyền loay hoay
Thực tế cho thấy, hiện tại, gần 1.000 người trong thôn 10, xã Quỳnh Lộc, đang trong tình cảnh “dở khóc dở cười” bởi nhiều bất cập trong cuộc sống. Không chỉ người dân mà cả chính quyền địa phương cũng rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý hành chính.
UBND xã Trường Lâm đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên sớm giải quyết dứt điểm về ranh giới hành chính để quản lý vì còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như an ninh trật tự, cấp phép, quản lý xây dựng, các chế độ chính sách…
Nói về những bất cập đã tồn tại gần 60 năm qua, ông Cao Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Đây là vấn đề rất bế tắc, chưa có giải pháp. Chúng tôi mong muốn cơ quan cấp trên xem xét một là điều chỉnh lại địa giới hành chính, hai là bàn giao nhân khẩu về Thanh Hóa, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Cái khó ở đây, mặc dù đất đai được xác định do xã Trường Lâm quản lý nhưng nếu có xảy ra vi phạm thì chúng tôi cũng không thể xử phạt vì về mặt con người, họ lại thuộc quyền quản lý của xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An).
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Túy - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc cho biết, vì một số lý do về pháp lý và nguyện vọng của người dân nên đến nay vẫn chưa cấp được sổ đỏ; các gia đình chính sách, khó khăn không được hưởng chế độ hỗ trợ về nhà ở; xây dựng nhà mới...
"Tới đây, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) và thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ bố trí buổi làm việc, cùng lắng nghe ý kiến của nhân dân, trên cơ sở đó sẽ đưa các giải pháp để tháo gỡ. Nếu người dân sáp nhập về Thanh Hóa thì thị xã Nghi Sơn sẽ cấp sổ đỏ cho họ. Còn nếu không đồng tình thì tìm giải pháp khác, vì nếu thay đổi địa giới hành chính phải trình lên Trung ương” - ông Túy nói.
Đại đoàn kết