MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 60% quốc lộ thiếu vốn bảo trì

Hơn 60% quốc lộ thiếu vốn bảo trì

Vẫn còn đến 62% tổng chiều dài quốc lộ đã quá thời gian sửa chữa định kỳ, tương đương 15.151 km, trong đó 9.983 km quá thời hạn trung tu và 5.168 km quá thời hạn đại tu chưa được thực hiện sửa chữa định kỳ theo quy định do hạn chế về vốn khiến nhiều công trình giảm “tuổi thọ”.

Tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đánh giá công tác quản lý, bảo trì đường bộ toàn hệ thống quốc lộ đã góp phần bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong năm 2020, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong điều kiện nguồn vốn dành cho bảo trì còn nhiều khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ dành ưu tiên cho công tác xử lý điểm đen mới phát sinh, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để ngăn chặn, đầy lùi tai nạn giao thông (TNGT), đặc biệt là TNGT thảm khốc.

Hệ thống đường bộ được tăng cường sơn kẻ tim đường, biển báo, đinh phản quang; các đoạn đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm được tăng cường tường phòng hộ, đường cứu nạn, hốc cứu nạn... đã cứu được hàng chục vụ tai nạn giao thông xe mất phanh. Bộ mặt các công trình báo hiệu ATGT được cải thiện, được dư luận xã hội ghi nhận (nổi bật như đường HCM đoạn đèo Lò Xo Kon Tum, Quốc lộ 6 qua Hòa Bình, Sơn La, Quốc lộ 5, Quốc lộ 3, QL12A Quảng Bình…), góp phần kéo giảm TNGT năm 2020 giảm sâu nhất từ trước đến nay.

Riêng năm 2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xử lý 97 điểm đen mới phát sinh, điểm tiềm ẩn TNGT; sơn kẻ 1.354 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 2.225 cụm biển báo; sửa chữa bổ sung 184 km hộ lan. Chỉnh trang bọc, dán màng phản quang đầu trụ tiêu, cột H, cột Km, vạch sơn, đinh phản quang để đảm bảo ATGT và mỹ quan. Đồng thời thường trực tiếp nhận xử lý thông tin qua đường dây nóng, xử lý hàng trăm các bất cập trong tổ chức giao thông, hư hỏng đột xuất cầu đường; kịp thời ứng trực xử lý phân luồng, phân làn giao thông phục vụ an toàn thông suốt các ngày lễ, các sự kiện lớn của quốc gia; phân luồng giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa cầu Thăng Long.

"Năm 2020, giai đoạn cao điểm từ tháng 9 đến cuối năm, các tỉnh miền Trung trở vào đến Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, lượng mưa cao nhất trong nhiều năm gần đây dẫn đến lũ lụt gây sạt lở đường, mùa mưa lại kéo dài sang tháng 12/2020 làm ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi công. Tuy nhiên, toàn bộ các đơn vị đã cơ bản hoàn thành các dự án được giao theo đúng kế hoạch, chất lượng công trình đảm bảo", ông Cường cho biết.

Về nhu cầu vốn, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, nhu cầu vốn phục vụ bảo trì hệ thống quốc lộ giai đoạn 2016-2020 là 100.221 tỷ đồng, nhưng thực tế Ngân sách Nhà nước chỉ cấp là 43.138 tỷ đồng (đáp ứng 43% nhu cầu).

Hiện nay, căn cứ vào thời gian sửa chữa định kỳ kết cấu áo đường theo quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BGTVT, ông Cường cho biết, vẫn còn đến 62% tổng chiều dài Quốc lộ đã quá thời gian sửa chữa định kỳ, tương đương 15.151 km, trong đó 9.983 km quá thời hạn trung tu và 5.168 km quá thời hạn đại tu chưa được thực hiện sửa chữa định kỳ theo quy định do hạn chế về vốn.

Việc chậm sửa chữa này, Tổng cục Đường bộ đánh giá sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm chất lượng Quốc lộ theo tiêu chuẩn thiết kế; ảnh hưởng đến ‘tuổi thọ’ công trình và khả năng khai thác của công trình.

"Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT, các cơ quan có thẩm quyền cho phép tăng dần tổng chi kinh phí bảo trì hằng năm; bảo đảm mỗi năm tăng trên 15% để bù trượt giá. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho phép Tổng cục Đường bộ tiếp nhận các dự án BOT đã tạm dừng thu phí và được bố trí vốn bảo trì của ngân sách Nhà nước để bảo trì các công trình này trong thời gian nhà đầu tư chưa thực hiện ký phụ lục kết thúc hợp đồng và chưa hoàn thành bàn giao tài sản cho Nhà nước", ông Nguyễn Xuân Cường đề xuất với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Lắng nghe báo cáo và đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, công tác năm 2020 của Tổng cục Đường bộ có nhiều tiến bộ, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao trong điều kiện Ngân sách Nhà nước còn khó khăn.

"Năm 2020 đất nước gặp nhiều thiên tai, lũ lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu hạ tầng, nhưng, Tổng cục Đường bộ đã làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra sạt lở, đưa phương tiện vào thi công làm sao thông đường trong thời gian sớm nhất để các chiến sĩ bộ đội cứu người. Đây là nhiệm vụ vô cùng gian nan, vất vả nhưng chúng ta đã làm được", Bộ trưởng ghi nhận.

Song, Bộ trưởng cũng lưu ý Tổng cục Đường bộ cần quan tâm công tác quản lý duy tu đường bộ ở trục Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đường Hồ Chí Minh về: Biển báo, xử lý tận gốc các điểm đen tai nạn giao thông để đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối.

"Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là phải đảm bảo tuyến Quốc lộ 1 - tuyến đường xương sống của đất nước - được êm thuận, tuyệt đối không để cho Quốc lộ 1 hư hỏng, đường có tốt thì người dân, doanh nghiệp lưu thông mới an toàn, hiệu quả", Bộ trưởng yêu cầu.

Đối với kiến nghị bố trí vốn để duy tu, sửa chữa các dự án BOT dừng thu phí hoặc chưa được thu phí, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ xem xét, đề xuất để điều chỉnh các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời báo cáo lên Chính phủ về các dự án BOT này. Trong thời gian dừng thu phí hoặc chưa thu được phí, Tổng cục Đường bộ cân chỉnh kinh phí để thực hiện bảo trì, sửa chữa đường, khi các dự án này được thu phí trở lại sẽ bàn giao lại cho nhà đầu tư. 

Theo Phan Trang

VGPNews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên