Hơn 61% sinh viên tốt nghiệp ĐH cân nhắc làm TikToker, chuyên gia nhận định 'đây là tín hiệu đáng mừng'
Thay vì các nghề nghiệp truyền thống, quá nửa số cử nhân ra trường sẵn sàng làm streamer bán hàng trên mạng.
- 06-07-2023Con từ chối vào đại học để “khởi nghiệp” làm TikToker, phụ huynh có ý kiến trái chiều
- 02-07-2023Nhân viên văn phòng chỉ kiếm bằng 1/10 TikToker, học đại học liệu có còn ý nghĩa?
- 07-05-2023Các chuyên gia chỉ ra sự thật về nhận định 'sai lầm khi tập thể dục' của một Tiktoker
Trên nền tảng Weibo của Trung Quốc mới đây đã có một cuộc thăm dò khảo sát với chủ đề "Những người trẻ tuổi đương đại quan tâm đến điều gì trong công việc?". Trong số gần 10.000 sinh viên mới tốt nghiệp được phỏng vấn, 61,6% cho biết sẽ xem xét các nghề nghiệp mới nổi như làm streamer trên nhiều nền tảng xã hội như TikTok, người ảnh hưởng trên mạng xã hội và chỉ 38,4% không cân nhắc đến công việc này.
Đồng Chí Cương, một chuyên gia kinh tế với 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn việc làm cho biết dữ liệu do Weibo công bố phản ánh những thay đổi trong kỳ vọng tìm việc của sinh viên tốt nghiệp hiện tại. Số đông người trẻ mới ra trường hy vọng có thể làm người dẫn chương trình phát sóng trực tiếp toàn thời gian hoặc bán thời gian.
Theo "Báo cáo phát triển ngành mạng trực tuyến (video ngắn và video trực tiếp) của Trung Quốc năm 2022-2023", đến cuối năm 2022, tổng cộng có hơn 150 triệu tài khoản phát sóng trực tiếp trên mạng trực tuyến của Trung Quốc. Vào năm 2022, hơn 100 triệu cơ hội việc làm đã được thúc đẩy trực tiếp hoặc gián tiếp bởi ngành công nghiệp livestream này. Các công việc chủ yếu bao gồm streamer (người dẫn chương trình phát sóng trực tiếp, người tạo video ngắn) và các công ty môi giới, nhóm điều hành của họ,...
Quyết định không theo đuổi các công việc văn phòng truyền thống để đi làm streamer trên mạng là lựa chọn xu hướng ở giới trẻ đất nước tỷ dân. Ví dụ, Hoàng Hồng từng là giáo viên của một cơ sở dạy thêm. Sau khi bị thu hút bởi mức lương của streamer, anh đã bỏ nghề giáo để gia nhập một công ty phát sóng trực tiếp ở Quảng Châu. Giờ đây anh không chỉ là streamer mà còn lãnh đạo một ekip 7, 8 người, quá nửa là sinh viên mới tốt nghiệp đại học.
Trần Hiểu Hà, chuyên gia tư vấn cấp cao về phát triển tài năng, từng giảng dạy tại Đại học Hạ Môn cho rằng việc giới trẻ lựa chọn các ngành mới nổi như phát sóng trực tiếp là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy khái niệm công việc truyền thống đang bị phá vỡ. Việc ngày càng nhiều người trẻ, có kiến thức trình độ gia nhập ngành phát sóng trực tiếp giúp nâng cao chất lượng tổng thể của ngành, khiến toàn bộ môi trường kinh doanh online phát triển theo hướng lành mạnh.
Tuy nhiên, ông Trần cũng đề cập đến sự khắc nghiệt của ngành livestream, đó là "Luật 20-80". Chỉ 20% số người làm việc trong ngành này kiếm được 80% lợi nhuận. "Những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là 20% số người thành công mà thôi", ông Trần cho biết.
Thống kê cho thấy thu nhập của streamer có thể chênh lệch rất lớn tùy vào độ thành công của mỗi người. Trong số các streamer coi đây là nguồn thu nhập chính, 95,2% có thu nhập hàng tháng dưới 5.000 nhân dân tệ (khoảng 16 triệu đồng) và chỉ 0,4% streamer có thu nhập trung bình hàng tháng là hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 350 triệu đồng).
Trước thực trạng sinh viên tốt nghiệp đổ xô đi stream bán hàng, chuyên gia khuyến cáo những người trẻ muốn gia nhập vào ngành phát thanh trực tiếp phải đưa ra đánh giá hợp lý xem mình có phù hợp và yêu thích công việc hay không trước dấn thân, thay vì lựa chọn nghề nghiệp chỉ vì nhìn thấy một vài người thành đạt.
"Sau khi gia nhập ngành livestream, bạn cần lên kế hoạch cụ thể cho các bước sự nghiệp. Xác suất thành công trong ngành phát sóng trực tiếp ngày nay do may mắn ngày càng thấp vì tính cạnh tranh đã quá cao. Livestream cũng là một ngành đòi hỏi nhiều tích lũy, bạn phải tìm ra sở trường, sở thích của mình và làm việc ổn định", ông Trần Hiểu Hà nhận định.
Phụ nữ Việt Nam