Hơn 9 tỷ USD dồn vào đầu tư trái phiếu bất động sản
Con số trên tương đương 214.440 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2020, theo thông tin từ Bộ Xây dựng.
- 27-12-2021Được định giá hơn 41.100 tỷ đồng, 1 dự án BĐS liên quan bầu Hiển tại Long An được dùng làm tài sản đảm bảo phát hành 4.600 tỷ trái phiếu
- 22-12-2021Gợi ý cho Tân Hoàng Minh: 4 tập đoàn bất động sản lớn của Việt Nam huy động trên 1 tỷ USD trái phiếu trong năm 2021
- 09-12-2021Bất động sản tiếp tục giữ ngôi “quán quân” phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD (gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng); lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8%-13%/năm.
Theo thống kê, tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
“Việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao, không có tài sản bảo đảm sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường”, Bộ Xây dựng nhận định.
Như BizLIVE đã đưa tin, vài năm trở lại đây, để lấy vốn đầu tư cho dự án, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tung ra các đợt phát hành trái phiếu lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đi kèm với mỗi đợt phát hành trên, các chủ đầu tư thường đưa ra mức lãi suất cao hơn từ 1,5-2 lần so với ngân hàng.
Điển hình, đầu tháng 10/2021, Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam (DCT Group) phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu để thực hiện dự án Tòa tháp Charm Diamond trong dự án Khu liên hợp cao ốc Sóng Thần.
Đây là lô trái phiếu kỳ hạn ba năm (đáo hạn ngày 28/6/2024) và là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm, lãi suất cố định 10%/năm.
Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này được định giá là 2.838,1 tỷ đồng, thuộc sở hữu DCT Group và Công ty CP Thiên Bình Minh. Bao gồm dự án Khu liên hợp cao ốc Sóng Thần thuộc Khu phức hợp Charm Plaza 1 và dự án Khu du lịch Thiên Bình Minh-Hồ Tràm. Các tài sản bảo đảm này được thế chấp tại Nam A Bank. Ngân hàng này và Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh (BMS) cũng là hai đơn vị đã thu xếp giao dịch phát hành trái phiếu cho DCT Group.
Một mô - típ tương tự cũng được tiến hành, tại hệ thống doanh nghiệp “họ” Geleximco. Chỉ trong thời gian 5 tháng, Công ty CP Đầu tư và du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco), Công ty CP Glexhomes, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam-các công ty “con” của Geleximco-đã phát hành thành công 3.200 tỷ đồng trái phiếu cho các dự án đang thực hiện. Mức lãi suất trong quãng xấp xỉ 10%/năm.
Đây là các lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản tại dự án của các doanh nghiệp này. Các thương vụ này đều được thu xếp bởi Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)-đều có liên quan tới Geleximco.
Mới đây, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) đã công bố kết quả chào bán thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 24 tháng, ngày đáo hạn tương ứng là 3/6/2023.
Loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu KBC thuộc sở hữu của bên thứ ba và không phải nợ thứ cấp của công ty. Lãi suất áp dụng cố định là 10,5%/năm, trả lãi 6 tháng/lần….
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ngày 3/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 8857/CĐ-VPCP yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra và rà soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tránh những tiềm ẩn, rủi ro về việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tại công điện trên, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.
Đồng thời, khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường và phát hành TPDN, để sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường TPDN, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.
Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng. Kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bộ Công an phối hợp Bộ Tài chính, NHNN và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có), để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật…
BizLive