MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn bốn thập kỷ cải cách kinh tế Trung Quốc và dự báo thời kỳ tiếp theo

23-08-2023 - 08:55 AM | Tài chính quốc tế

Điều gì có thể là động lực mới của nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ tới? Liệu Trung Quốc có thể rũ bỏ hình ảnh cũ là người đi theo để trở thành một nhà đổi mới thực sự trong thời đại robot và A.I?

45 năm trước, vào tháng 12/1978, sau một thập kỷ Cách mạng Văn hóa khiến đất nước bị tàn phá, một loạt cải cách kinh tế mang tính chuyển đổi đã mở cửa Trung Quốc với cộng đồng quốc tế và đầu tư nước ngoài. Quá trình mở cửa của Trung Quốc đã biến đất nước này từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các cải cách cũng mở đường cho những chương trình như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng nghìn tỷ đô la - một cú hích cơ sở hạ tầng đầy tham vọng nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế — và tạo tiền đề cho sự xuất hiện của những gã khổng lồ thương mại điện tử và công nghệ như Alibaba và Huawei.

Thật khó để tưởng tượng rằng gần 40 năm trước, hơn 88% dân số Trung Quốc sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, và đến năm 2017, tỉ lệ đó đã giảm xuống dưới 6%.

Jane Golley, quyền Giám đốc tại Trung tâm Australia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho biết: “Các ngành công nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật di truyền, người máy, không gian và hàng không của Trung Quốc đang trở thành những doanh nghiệp có tính cạnh tranh toàn cầu và có tính sáng tạo cao mà bạn không thể hình dung được vào hai thập kỷ trước, nói gì đến bốn thập kỷ”.

Hơn bốn thập kỷ cải cách kinh tế Trung Quốc và dự báo thời kỳ tiếp theo - Ảnh 2.

KFC and McDonald's là những chuỗi nhà hàng phương Tây đầu tiên mở rộng ở Trung Quốc. Ảnh: ABC News

Thập kỷ thứ nhất: Sự khởi đầu

Vào ngày 18/12/1978, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Trung ương Đảng, đã tổ chức Hội nghị lần thứ ba để đưa đất nước thoát khỏi đống đổ nát do cuộc Cách mạng Văn hóa để lại. Cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là "kiến trúc sư trưởng" của cuộc cải cách năm 1978, người đưa ra khái niệm về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Trong thập kỷ đầu tiên (1978-1988) của “cải cách và mở cửa”, các bước mà Trung Quốc thực hiện đều rất thận trọng và thăm dò. Khi đó đã có nhiều cuộc tranh luận về ý nghĩa của cải cách và liệu nó có đưa Trung Quốc đi theo hướng cần phải đi hay không. Câu châm ngôn được nhắc đến nhiều nhất thời bấy giờ là: “lội suối sờ đá”.

Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 1/1/1979. Các luật liên quan đến Công ty liên doanh vốn cổ phần Trung-nước ngoài được thông qua cùng năm đó. Các công ty nước ngoài đáng chú ý xếp hàng đầu tư vào Trung Quốc bao gồm Panasonic, Sony và Toshiba từ Nhật Bản, cũng như Volkswagen từ Đức. GDP của Trung Quốc là 312,4 tỷ USD vào năm 1988, tăng 270% so với năm 1979.

Hơn bốn thập kỷ cải cách kinh tế Trung Quốc và dự báo thời kỳ tiếp theo - Ảnh 3.

Cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford và phu nhân gặp gỡ cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh vào năm 1975. Ảnh: Wikimedia Commons

Thập kỷ thứ hai: Kết thúc trong khủng hoảng

Thập kỷ thứ hai của Kỷ nguyên Cải cách ở Trung Quốc được kết thúc bằng hai cuộc khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng chính trị năm 1989 và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998. Trước các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến sự kiện Thiên An Môn, số lượng các công ty tư nhân đã giảm từ 200.000 xuống còn 90.600. Tuy nhiên, đến cuối năm 1990, các sở giao dịch chứng khoán đã được thành lập ở Thượng Hải và Thâm Quyến. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, mặc dù lúc đó tuổi đã cao, đã tuyên bố vào năm 1992 rằng các cải cách của Trung Quốc đang đi trên con đường không thể đảo ngược; số lượng các công ty tư nhân tăng vọt.

Thập kỷ đó chứng kiến sự xuất hiện của một số doanh nghiệp tư nhân có ảnh hưởng lớn như Lenovo và Huawei. Các doanh nghiệp đáng chú ý khác được thành lập trong khoảng thời gian đó bao gồm tập đoàn Fosun, công ty bảo hiểm Taikang và nhiều doanh nghiệp khác. GDP của Trung Quốc đạt 1,03 nghìn tỷ USD vào năm 1998, tăng 230% so với năm 1988.

Hơn bốn thập kỷ cải cách kinh tế Trung Quốc và dự báo thời kỳ tiếp theo - Ảnh 4.

Phiếu thực phẩm, một sản phẩm của nền kinh tế kế hoạch Trung Quốc, một thời là cách duy nhất để người dân có đổi được thực phẩm và các mặt hàng tạp hóa. Ảnh: ABC News

Thập kỷ thứ ba: Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới

Cho đến nay, bước phát triển quan trọng nhất trong thập kỷ thứ ba của Kỷ nguyên Cải cách (1998-2008) là việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 12/2001. Điều này đã mang lại cho Trung Quốc cơ hội trở thành “công xưởng của thế giới”.

Tại thành phố ven biển Hàng Châu, Jack Ma đã huy động được 500.000 nhân dân tệ để thành lập Alibaba vào năm 1999. Cùng năm đó, Tencent đã quảng bá dịch vụ nhắn tin tức thì ở Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc. Thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc đã sẵn sàng cất cánh. Với GDP là 4,6 nghìn tỷ USD, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2008. GDP đã tăng khoảng 350% trong suốt thập kỷ.

Thập kỷ thứ tư: Đối mặt với khủng hoảng toàn cầu

Thập kỷ thứ tư (2008-2018) của Kỷ nguyên Cải cách bắt đầu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II. Một phần nhờ vào hệ thống ngân hàng tương đối độc lập, nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng chỉ với một vài "vết bầm".

Một gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ đã giúp ổn định nền kinh tế nước này trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá nhà đất tăng mạnh trong năm 2009 và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản. Một doanh nhân Trung Quốc ít được biết đến tên là Li Shufu đã đấu thầu mua lại hãng xe Volvo trong cùng năm. Nhiều công ty Trung Quốc khác cũng bận rộn mua sắm tài sản ở nước ngoài.

Hơn bốn thập kỷ cải cách kinh tế Trung Quốc và dự báo thời kỳ tiếp theo - Ảnh 5.

Cải cách và mở cửa tạo tiền đề cho sự xuất hiện của những gã khổng lồ về công nghệ và thương mại điện tử như Alibaba, Huawei, Tencent, DiDi. Ảnh: ABC News

Đến năm 2018, GDP của Trung Quốc đạt 13,82 nghìn tỷ USD, tăng 160% so với thập kỷ trước và đủ để đưa nền kinh tế Trung Quốc lấp đầy khoảng cách so với Mỹ. Xét về sức mua tương đương nền kinh tế Trung Quốc đã là số một thế giới.

Tăng trưởng có thể tiếp tục?

Sau bốn mươi năm tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại rõ rệt trong những năm gần đây. Bất chấp việc nới lỏng một phần các chính sách kiểm soát dân số, số người trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh vào năm 2012 và lợi ích từ nhân khẩu học đang giảm sút. Quá trình đô thị hóa hơn nữa có thể mang lại cơ hội tăng trưởng nhưng vẫn còn những lo ngại dai dẳng về giá bất động sản tăng cao và mức nợ cao trong toàn bộ nền kinh tế.

Điều gì có thể là động lực mới của nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ tới? Liệu Trung Quốc có thể rũ bỏ hình ảnh cũ là người đi theo và bắt chước công nghệ và trở thành một nhà đổi mới thực sự trong thời đại robot và trí tuệ nhân tạo? Liệu Trung Quốc có thể vượt qua những "cơn gió ngược" chống toàn cầu hóa và những thách thức địa chính trị khác? Không ai có quả cầu pha lê tiên tri, nhưng có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ vẫn là một trong những nước có thành tích hàng đầu trong số các nước G20, nếu các nhà lãnh đạo của nước này cam kết thực hiện một loạt chính sách khuyến khích cạnh tranh cả từ bên trong và bên ngoài.

Theo Thu Hằng

Báo tin tức

Trở lên trên