Hơn chục giám đốc điều hành hàng đầu Trung Quốc dính "lưới trời"
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ngày 20-11 cho biết ông Chu Quân, chủ tịch của Shanghai Industrial Holdings, đang bị điều tra về tội “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Theo thông báo của CCDI ngày 20-11, ông Chu Quân đang bị Ủy ban kiểm tra kỷ luật TP Thượng Hải điều tra. Chủ tịch của Shanghai Industrial Holdings bị điều tra do bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật - cụm từ thường được dùng để miêu tả tội danh tham nhũng.
Ông Chu Quân cũng giữ chức vụ tại một số công ty con niêm yết ở đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) của tập đoàn nhà nước này, nhưng ông đã từ chức trong những ngày gần đây với lý do "các vấn đề cá nhân". Các công ty này thông báo việc ông Chu Quân từ chức là do vấn đề cá nhân khiến ông không thể dành đủ thời gian đảm trách nhiệm vụ của mình.
Shanghai Industrial Holdings là công ty phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản và dược phẩm thuộc sở hữu nhà nước.
Ông Chu Quân, chủ tịch của Shanghai Industrial Holdings, đang bị điều tra về tội "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Ảnh: Caixin
Theo đài CNN, việc ông Chu Quân bị cơ quan giám sát chống tham nhũng Trung Quốc điều tra cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đang diễn ra mạnh mẽ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm nay, hơn chục giám đốc điều hành hàng đầu trong các lĩnh vực bao gồm công nghệ, tài chính và bất động sản đã "mất tích", bị giam giữ hoặc bị điều tra tham nhũng.
Chỉ trong tháng này, CCDI thông báo mở cuộc điều tra tham nhũng với cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Trương Hồng Lực.
Cũng trong tháng 11, Tòa án nhân dân trung cấp TP Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đã tuyên án tử hình "treo" (hoãn thi hành án 2 năm) đối với ông Tôn Đức Thuận, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Citic Trung Quốc, về tội nhận hối lộ.
Theo phán quyết của tòa án, ông này nhận bất hợp pháp số tài sản trị giá gần 980 triệu nhân dân tệ (134 triệu USD) trong 16 năm (2003-2019). Tòa án cho rằng hành vi của quan chức này đã cấu thành tội phạm với số tiền nhận hối lộ cực lớn, "tình tiết đặc biệt nghiêm trọng và tác động xã hội đặc biệt tồi tệ, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và nhân dân, đáng bị kết án tử hình".
Trước đó, hồi tháng 10, Trung Quốc bắt giữ cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung Quốc Lưu Liên Kha sau cuộc điều tra tham nhũng kéo dài nhiều tháng.
Đài CNN dẫn nguồn tin của Cover News (Trung Quốc) cho biết ông Trần Thiếu Kiệt, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của nền tảng phát trực tiếp Douyu Trung Quốc, trở thành doanh nhân công nghệ mới nhất gặp rắc rối ở Trung Quốc.
Cover News dẫn lời một người thân cận với ông Trần cho biết rằng không thể liên lạc với ông kể từ tháng 10. Một số nguồn tin chưa thể xác minh tiết lộ chính quyền đang điều tra các hoạt động khiêu dâm và đánh bạc trên nền tảng Douyu.
NLĐ