Hơn thua với Google, Amazon gấp rút tích hợp AI: Khách hàng được cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, nhân viên giảm thiểu các công việc tay chân
Amazon đang gấp rút chạy đua cùng AI - điều mà “bậc thầy công nghệ” về kho bãi và vận chuyển này lẽ ra phải là người khởi xướng.
- 14-06-2023Chatbot AI của Google bị chặn trên toàn Liên minh châu Âu
- 13-06-2023Thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ AI ngày càng phổ biến tại Mỹ
- 13-06-2023'Ông chủ' của ChatGPT giải thích về cách AI sẽ thay đổi ngành giáo dục
Sau khi ChatGPT gây sốt trên toàn cầu, Amazon đã yêu cầu loạt nhân viên trình bày các ý tưởng áp dụng công nghệ chatbot mới giúp cải thiện sản phẩm và quy trình làm việc. Chia sẻ nội bộ, với tiêu đề “Phân tích cơ hội và sức ảnh hưởng của AI-ChatGPT sáng tạo”, đã liệt kê 67 ứng dụng tiềm năng cho ChatGPT và công nghệ tương tự, theo BI.
Động thái trên cho thấy Amazon đang gấp rút chạy đua cùng AI - điều mà “bậc thầy công nghệ” về kho bãi và vận chuyển này lẽ ra phải là người khởi xướng. Trước đó, tập đoàn đã tạo ra cú hích thương mại khổng lồ trên internet bằng cách bán sách trực tuyến vào năm 1990, cách mạng hóa thói quen đọc với Kindle và dùng AWS để khởi động ngành công nghiệp điện toán.
“Amazon thực sự lo sợ mình sẽ chậm chân”, một nhân viên giấu tên nói.
Thực tế, Amazon không quá bị xáo trộn và phát triển rất nhanh. Trong một email gửi tới Insider, đại diện công ty cho biết Amazon đã ứng dụng máy học và trí tuệ nhân tạo trong suốt hơn 25 năm.
“Amazon đang dẫn đầu toàn ngành về công nghệ. Mảng kinh doanh điện toán AWS của chúng tôi có nhiều khách hàng, đối tác. Chúng tôi cũng đang đầu tư vào trí tuệ nhân tạo trên mọi lĩnh vực”, đại diện Amazon cho biết.
Một cuộc thảo luận thẳng thắn đã diễn ra, chủ yếu xoay quanh những thiếu sót và tiềm năng Amazon có thể khai thác và ứng dụng.
“Amazon đã cung cấp các sản phẩm sử dụng mô hình ngôn ngữ để tạo và phân tích nội dung, song không có sản phẩm nào thực sự giống ChatGPT”, một nhân viên cho biết.
Theo BI, Amazon đang ráo riết tìm cách tận dụng sự bùng nổ của chatbot AI, trong đó có việc đẩy nhanh năng suất, bắt đầu các dự án AI mới và thúc đẩy các dịch vụ điện toán đám mây. Một số nhân viên thậm chí còn đề xuất tích hợp ChatGPT vào quy trình sáng tạo của Amazon.
Trong tài liệu “Phân tích cơ hội và sức ảnh hưởng của AI-ChatGPT sáng tạo”, thành viên nhóm bán hàng cho biết họ có thể sử dụng công nghệ mới để nhanh chóng tìm kiếm các báo cáo tài chính và đối thủ cạnh tranh nhằm tìm ra mục tiêu chiến lược. Các chatbot cũng có thể giúp phân tích cảm nghĩ, nhu cầu của khách hàng đối với một sản phẩm, từ đó cải thiện chất lượng chăm sóc hậu mãi cho người mua. Ngoài ra, chúng còn dự đoán được xu hướng và những nội dung có thể trở nên viral.
Đối với AWS, ChatGPT giúp tự động tính toán chi phí dịch vụ đám mây cho khách hàng. Nhóm Fresh kỳ vọng một ngày nào đó có thể cung cấp danh sách mua sắm dựa trên sự trợ giúp của ChatGPT.
“ChatGPT giúp khắc phục sự cố và tăng năng suất về lâu về dài bằng cách giảm những công việc tay chân cần thiết”, tài liệu nêu rõ.
Tuy nhiên, vẫn có những cảnh báo. Luật sư Amazon trước đây khuyến cáo các nhân viên nên sử dụng ChatGPT một cách thận trọng. Song song với đó, họ bị cấm chia sẻ thông tin bí mật với ChatGPT, chẳng hạn như email nội bộ hoặc mã nguồn, để đảm bảo tính bảo mật.
Không rõ kế hoạch ứng dụng AI của Amazon tiến triển như thế nào Chỉ biết ít nhất 11 dự án nội bộ đã thành hình, trong đó có đề xuất tạo thanh tìm kiếm kiểu ChatGPT cho người mua.
“Trợ lý ảo có thể giải thích ưu và nhược điểm của các sản phẩm mang thương hiệu khác nhau, đồng thời trích dẫn và tóm tắt các đánh giá trước đây của người dùng. Nó sẽ giúp cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm”, một nhân viên nói, đồng thời cho biết công cụ hỗ trợ trả lời các câu hỏi liên quan đến AWS sẽ sớm bước vào giai đoạn xây dựng nguyên mẫu.
Có ý kiến cho rằng ChatGPT tiên tiến hơn các dịch vụ tương tự mà Amazon cung cấp trước đó. Chẳng hạn như Amazon Comprehend, một dịch vụ xử lý ngôn ngữ, “cồng kềnh” hơn hẳn so với ChatGPT trong việc biến dữ liệu khảo sát thành thông tin có ý nghĩa. Amazon Lex, công cụ giúp xây dựng chatbot, thì quá “nhàm chán”.
Được biết, Amazon mới đây đã phát hành nền tảng xây dựng AI mới Bedrock và một mô hình có tên Titan. Chúng hoạt động trên loạt ứng dụng dành cho người tiêu dùng với những tính năng giống hệt ChatGPT, bao gồm trợ lý giọng nói Alexa và dự án robot gia đình Burnham.
Các nhân viên vẫn tò mò về phản ứng của Amazon đối với ChatGPT và AI sáng tạo nên thường xuyên nhắc đến chủ đề này trong các cuộc họp nội bộ. Hồi tháng 3, một nhân viên đã hỏi Giám đốc điều hành AWS Adam Selipsky về phản ứng của công ty cũng như cách AWS lên kế hoạch “tiếp nhận mô hình mới mẻ”. Ông Selipsky khi đó không cung cấp thông tin cụ thể nhưng nhấn mạnh công nghệ mới sẽ được ứng dụng cho toàn Amazon chứ không chỉ riêng AWS.
Mới đây, CEO Jassy cũng nhắc đến chuyên môn của Amazon, đồng thời lưu ý rằng việc ứng dụng AI thế hệ mới giúp hãng này “dễ tiếp cận hơn” và “dễ sử dụng hơn”. “Đội ngũ lãnh đạo hàng đầu của Amazon rất vui. Đây là lĩnh vực trọng tâm lớn đối với chúng tôi”, CEO Amazon nói.
Theo Financial Times, Amazon đang lấn sân sang nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Dù AI và công nghệ hiện đại có thể được tìm thấy trên AWS và các hoạt động của chính Amazon, song nhiều người vẫn lo ngại hãng bán lẻ này đang tụt lại phía sau trong cuộc đua cùng Microsoft và Google.
“Amazon phải nhận thức được xu hướng lớn. Amazon cần phải có phản ứng chiến lược của mình”, ông Jassy nói, đồng thời cho biết đã nhìn ra cơ hội nếu hợp tác với các công ty nhỏ. Một trong số đó là Stability AI — đối thủ cạnh tranh với OpenAI.
“Tôi nghĩ điều đó thật thú vị. Hầu hết các công ty lớn, kỹ thuật cao như Amazon đã tự mình làm việc trên các mô hình AI lớn, sáng tạo trong một thời gian dài”, Jassy khẳng định.
Theo: BI, FT
Nhịp sống thị trường