MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồng Kông sau 20 năm trở về Trung Quốc: Cuộc đổ bộ của những "gã khổng lồ" đại lục

29-06-2017 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Tầm ảnh hưởng của những tỷ phú xuất thân từ Hồng Kông đang dần suy giảm. Ngược lại, các công ty đến từ đại lục đang trỗi dậy, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản và viễn thông.

20 năm không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng cũng đủ để tạo ra sự thay đổi lớn. Quay trở về thời điểm năm 1997, khi được Anh trao trả về Trung Quốc, nền kinh tế của thành phố từng là thuộc địa của Anh được thống trị bởi những tỷ phú Hồng Kông như Lý Gia Thành và những tập đoàn nổi lên từ sau Cuộc chiến Nha phiến (Opium Wars) như Jardine Matheson. Ngày nay, năm 2017, có một lực lượng mới đang ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng lên nền kinh tế Hồng Kông. Dù Lý Gia Thành và những tỷ phú từ thời của ông vẫn đứng sau những tập đoàn lớn, tầm ảnh hưởng của những tỷ phú xuất thân từ Hồng Kông đang dần suy giảm. Ngược lại, các công ty đến từ đại lục đang trỗi dậy, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản và viễn thông.

Từ lâu nay, Hồng Kông vẫn đóng vai trò là cửa ngõ vào Trung Quốc. Trong những năm 1990, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc huy động vốn từ thành phố này để phát triển nền kinh tế đại lục. Giờ đây, khi mà đại lục ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến Hồng Kông xét về mặt chính trị, các doanh nghiệp giàu tiền mặt của đại lục cũng ngày càng tăng cường tầm ảnh hưởng về kinh tế.

Tạm biệt những ngân hàng phương Tây

Năm 1997, Morgan Stanley, HSBC và Merrill Lynch là những nhà bảo lãnh hàng đầu cho các vụ IPO ở Hồng Kông. Trong top 10 cũng chỉ toàn các ngân hàng và công ty nước ngoài hoặc bản địa.

Giờ đây, 9 trong số 10 cái tên đứng đầu đến từ đại lục, trong đó top 3 gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, công ty chứng khoán Haitong và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Năm 1997, các ngân hàng Trung Quốc thậm chí không có mặt trong top 10 nhà bảo lãnh IPO ở Hồng Kông.

Để giành được thị phần, các ngân hàng đầu tư đến từ đại lục đã giảm mạnh mức phí. Trong một số trường hợp, đặc biệt là những thương vụ đình đám, các chuyên gia tư vấn chỉ được trả số tiền bằng một nửa so với cách đây 5 năm.

Xu hướng dịch chuyển này trùng hợp với làn sóng các công ty đại lục đổ xô tới niêm yết trên sàn Hồng Kông, coi đó là một dấu mốc quan trọng để vươn ra thế giới. Giờ đây gần như toàn bộ các cổ phiếu mới niêm yết trên sàn Hồng Kông đều có nguồn gốc từ đại lục, trong khi 6 năm trước sàn này thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế như Prada hay Samsonite.

Tập đoàn bất động sản Hồng Kông bị hạ gục trước các đối thủ Trung Quốc

Các công ty bất động sản Trung Quốc bắt đầu đã vượt qua các đối thủ Hồng Kông để giành lấy những khu đất vàng từ năm 2011. Kể từ đầu năm đến nay, tất cả số đất công trị giá 37 tỷ USD được bán cho công ty tư nhân để xây dựng khu dân cư đã thuộc về các công ty bất động sản đến từ đại lục.

HNA, tập đoàn bất động sản của tỷ phú Trung Quốc Chen Feng, hoạt động đặc biệt tích cực. Công ty mẹ của hãng hàng không Hainan Airlines đã bỏ ra tổng cộng 27,2 tỷ USD để thâu tóm 4 khu đất mà trước đây là sân bay Kai Tak.

NHTW phi chính thức của Hồng Kông đã đặt ra những giới hạn về việc vay ngân hàng để mua đất và phát triển các dự án bất động sản. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty bất động sản Trung Quốc (vốn sử dụng tỷ lệ đòn bẩy nhiều hơn so với các công ty Hồng Kông), nhưng chắc chắn tình hình sẽ không thể đảo chiều.

Chiếm lấy thị trường điện thoại

Trên thị trường điện thoại cũng diễn ra xu hướng tương tự. Năm 2006, sau nhiều vòng M&A, China Mobile bước chân vào thị trường Hồng Kông – nơi trước đó không hề có bóng dáng của những nhà mạng đến từ đại lục. Hiện China Mobile đang cạnh tranh với những tập đoàn thuộc sở hữu của các tỷ phú Hồng Kông như Sun Hung Kai của gia tộc Kwok hay CK Hutchison của Lý Gia Thành.

Một công ty viễn thông khác của Trung Quốc là China Telecom cũng có dự định ra mắt dịch vụ mobile ở Hồng Kông ngay trong mùa hè này, trong khi China Unicom đã bắt đầu cung cấp dịch vụ cho người Hồng Kông từ 15 năm trước.

Bị các công ty đại lục tranh giành thị phần, các công ty Hồng Kông đang hướng ra nước ngoài. Từng có 69% lợi nhuận được tạo ra ở Hồng Kông tại thời điểm 1997, giờ đây CK Hutchison đang vươn mình tới châu Âu và Australia, giảm tỷ trọng lợi nhuận ở Hồng Kông xuống chỉ còn 3% trong năm ngoái. Động thái này khiến Lý Gia Thành bị chỉ trích rằng ông đã bỏ rơi thành phố từng giúp ông trở nên giàu có như ngày hôm nay.

Chow Tai Fook, tập đoàn bất động sản và trang sức thuộc sở hữu của gia tộc Cheng, mới đây cũng vừa thâu tóm 1 công ty khí đốt của Australia.

Castor Pang, chuyên gia đến từ Core-Pacific Yamaichi International, cho rằng đối với các tỷ phú Hồng Kông mà nói thì ở thời điểm hiện tại, nhiệm vụ đặt ra không còn là duy trì vị thế dẫn đầu mà là làm sao để sinh tồn.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên