Vì sao TPP phải đổi tên và điều gì khiến Canada đột ngột thay đổi thái độ?
Trong phần hỏi đáp về tương lai mới của TPP-11 diễn ra trưa nay, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, việc Mỹ rút khỏi hiệp định cũng tạo ra nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau 4 vòng đàm phán khó khăn, 11 nền kinh tế đã đạt được đồng thuận.
Trong phần hỏi đáp tại buổi họp báo về tương lai mới của TPP-11, trả lời câu hỏi về một TPP không có Mỹ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: TPP 12 được tham gia đàm phán, xây dựng và thiết kế với tiêu chuẩn chuẩn mực cao. Khi đạt được đồng thuận, mọi quốc gia đều hài lòng, và Hiệp định không chỉ có tiêu chuẩn cao mà còn đạt được sự cân bằng giữa các nước.
Việc nước Mỹ rút khởi TPP tạo ra những khó khăn trong việc duy trì quan điểm trong việc tạo ra một hiệp định mới với những tiêu chuẩn chất lượng cao như vậy. Vì vậy, trong các vòng đàm phán, các trưởng đoàn phải tiếp cận thực tiễn: Làm sao duy trì được hiệp định với chất lượng cao, toàn diện để đảm bảo mục tiêu ban đầu và đảm bảo tính thực thi cho 11 nền kinh tế còn lại.
4 vòng đàm phán ở các địa điểm khác nhau phản ánh đầy đủ các khó khăn mà một hiệp định mới gặp phải. Tuy nhiên, với tinh thần xây dựng, 4 vòng đàm phán giúp đưa 11 nền kinh tế đến được thỏa thuận cơ bản, quan trọng cốt lõi cho TPP-11 nhưng vẫn đảm bảo chât lượng của TPP 12 và đặc biệt là cân bằng cho 11 nền kinh tế
Về các nội dung tạm hoãn thì các trưởng đoàn sẽ được giao nhiệm vụ cụ thể để có thể đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, đoạn đường khó khăn nhất đã qua, và chúng tôi tin tưởng vào tương lai đạt được TPP-11 hay CPTPP.
Chia sẻ về những những khó khăn khi đồng chủ trì cuộc đàm phán tại Đà Nẵng với người đồng cấp phía Việt Nam, ông Toshimitsu Motegi - Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản nói: Giữa các nền kinh tế với nhau, nỗ lực để tìm tiếng nói chung về những điều khoản tạm hoãn và điều chỉnh là điều rất khó. "Kết quả thường đến vào phút chót và cuối cùng Canada thay đổi thái độ. Mọi việc cũng đã thuận lợi".
Trả lời về việc đổi tên thành HIệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Toshimitsu Motegi cho biết, do TPP từ 12 thành viên còn 11 nên phải khác đi. "Chúng tôi thảo luận nhiều cái tên, nội dung không chỉ là thương mại mà còn là đầu tư. Đây là hiệp định toàn diện, bao gồm các lĩnh vực rộng lớn. Về bản chất CPTPP là hiệp định cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định từng được ký kết".
Liên quan đến việc thay đổi thái độ của Canada vào phút chót, Bộ trưởng Nhật Bản nói: "Có lẽ, phải hỏi thẳng Canada. Nhưng ngày hôm kia, tại cuộc họp bộ trưởng, các vị bộ trưởng khác đều đồng thuận và thống nhất. Có thể do quy trình trong nước của Canada hay vấn đề về trao đổi thông tin nào đó".
Chia sẻ thêm về việc đổi tên TPP thành CPTPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: "Chúng tôi đã thảo luận và thống nhất về việc duy trì TPP cao về cả mở cửa thị trường chứ không chỉ là cải cách. Chất lượng hiệp định thể hiện qua toàn diện và tiến bộ là điều các bộ trưởng đều nhấn mạnh".
Trả lời câu hỏi cuối cùng: "Đâu là vấn đề khúc mắc nhất và ảnh hưởng tới lợi ích Việt Nam nhiều nhất?", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: Quá trình liên quan đến đàm phán cho duy trì TPP đã đặt ra khó khăn cho tất cảt các nền kinh tế khi phải tìm ra điểm cân bằng mới. Đây không chỉ là khó khăn riêng của Việt Nam mà còn của các nền kinh tế khác, nhằm đảm bảo cân bằng để duy trì ở chất lượng cao. Bên cạnh đó còn phải đưa hiệp định vào thực thi sớm.
Vì thế, như các thành viên khác, Việt Nam cũng phải ngihên cứu đánh giá từ thực tiễn cụ thể về cải cách, mở cửa, chính trị xã hội để đảm bảo cân bằng lợi ích đất nước nhưng cũng đảm bảo được sự đồng thuận và sớm đưa CPTPP đi vào thực tế.
>