MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Họp ĐHĐCĐ ACV: Không lỗ từ hoạt động cốt lõi năm 2020 cũng là thách thức rất lớn

26-06-2020 - 13:51 PM | Doanh nghiệp

Tổng công ty trình phương án chia cổ tức cổ phiếu 9%, tăng vốn lên 23.731 tỷ đồng. ACV đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.007 tỷ đồng, giảm 80%.Tổng giám đốc ACV nhận định việc không lỗ năm 2020 cũng là thách thức rất lớn.

Sáng ngày 26/6, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ( UPCoM: ACV ) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Cuộc họp có sự tham dự của các cổ đông đại diện cho gần 97% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Họp ĐHĐCĐ ACV: Không lỗ từ hoạt động cốt lõi năm 2020 cũng là thách thức rất lớn - Ảnh 1.

Họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của ACV. Ảnh: HL.

Chờ ý kiến của chia cổ tức 9% bằng cổ phiếu để tăng vốn

Năm 2020 dưới tác động nặng nề của Covid-19, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), cổ đông đang nắm 95% cổ phần, đề ra mục tiêu tổng doanh thu 11.317 tỷ đồng, giảm 45% và lợi nhuận trước thuế 2.007 tỷ đồng, giảm 80% so với thực hiên năm 2019. Tuy nhiên sau quý I, đơn vị này đã thực hiện 1.927 tỷ lợi nhuận, hoàn thành 96% chỉ tiêu cả năm.

Ban lãnh đạo ACV nhận định, đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn đến 2025 khi dòng tiền tích lũy hàng năm sụt giảm. Do vậy ACV đã kịp thời đánh giá và điều chỉnh giãn tiến độ một số dự án đầu tư để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Năm ngoái, ACV ghi nhận lợi nhuận kỷ lục với 9.976 tỷ đồng, tăng 33%. Với kết quả đó, Ủy ban trình phương án chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 9% bằng cổ phiếu. Tổng khối lượng phát hành dự kiến là gần 196 triệu cổ phiếu mới và qua đó tăng vốn điều lệ tối đa dự kiến sau phát hành là 23.731 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tổng công ty đang chờ ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phương án phân phối lợi nhuận còn lại và chia cổ tức. Do đó, ACV sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 để thông qua nội dung này ngay sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Tổng công ty cũng muốn bổ sung một số ngành nghề mới để đảm bảo yêu cầu kinh doanh và triển khai một số dự án đầu tư xây dựng, bao gồm bổ sung hoạt động huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và hoạt động tư vấn kỹ thuật, kiến trúc.

Năm 2020 không lỗ cũng là thách thức lớn

Tổng giám đốc Vũ Thế Phiệt cho biết kế hoạch 2020 được lập ra hồi tháng 5 khi dự tính sẽ mở cửa hàng không quốc tế vào tháng 8-9. Tuy nhiên, điều này không khả thi do các nước bắt đầu xuất hiện làn sóng dịch thứ 2, nằm ngoài dự báo của ACV. Ông Phiệt tính toán việc mở cửa cho khách du lịch quốc tế có thể đến cuối quý III và sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh.

“Năm 2020 ACV cố gắng không lỗ nhưng cũng là thách thức rất lớn trong thời gian tới”, ông Phiệt nói.

Hiện doanh thu quốc tế chiếm trên 60% doanh thu của ACV. Với quyết tâm của Chính phủ giúp thị trường nội địa phục hồi. Tuy nhiên, tổng doanh thu nội địa tháng 6 chỉ loanh quanh 480 tỷ đồng trong khi chi phí khoảng 600 tỷ đồng, gây lỗ hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. ACV không có thị trường quốc tế thì bị ảnh hưởng rất lớn.

Do đó Tổng giám đốc ACV xin cổ đông ủy quyền cho HĐQT, Ban Tổng giám đốc thực hiện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo sát với điều kiện thị trường trong trường hợp cần thiết.

Ông Phiệt cũng cho biết trong kế hoạch lợi nhuận năm 2020, doanh thu tài chính chiếm đến 1.955 tỷ đồng, phần tiền lãi ngân hàng đóng góp rất đáng kể vào lợi nhuận doanh nghiệp như quý I đóng góp 1/3 lợi nhuận. Trong khi đó, lợi nhuận của các hoạt động cốt lõi năm nay chỉ cố gắng đạt 50-52 tỷ đồng.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp muốn ACV xem xét lại hiệu quả hoạt động

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, đại diện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo ACV trong năm 2019 dù chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Sang năm 2020, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng không.

Bà Hà nhận định kế hoạch kinh doanh của HĐQT khả quan nhưng cũng có lo lắng bởi kế hoạch này phụ thuộc hoàn toàn tình hình dịch bệnh quốc tế và các quyết sách của Chính phủ. Khả năng khách quốc tế vào Việt Nam không dễ thực hiện do đó cũng khó thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2020. Dù lượng khách nội địa quay lại nhanh và tăng cao như tháng 5-6, tuy nhiên hiện doanh thu không bù được chi phí. Do đó HĐQT và ban giám đốc nên xem xét đánh giá lại vấn đề thua lỗ là do cơ chế chính sách hay do việc vận hành chưa hiệu quả. Nếu về chính sách, đề nghị tổng công ty xem xét lại và phải có ý kiến đến các cơ quan Nhà nước.

Đại điện của Ủy ban cũng đề nghị ACV phải xem xét lại và rà soát lại các chi phí, cơ cấu tổ chức và lực lượng lao động. Đây là dịp để xem xét để tối ưu hóa năng lực quản trị tại doanh nghiệp. Về vấn đề phân phối lợi nhuận, do ACV đang trong giai đoạn đầu tư nhiều dự án trọng điểm nên các phương án tài chính và huy động vốn đã thay đổi rất nhiều. Ủy ban đang kiến nghị giữ lại phần lớn lợi nhuận để trích quỹ đầu tư phát triển, tuy nhiên hiện các cơ quan có thẩm quyền chưa cho ý kiến.

Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết tình hình dịch bệnh còn phụ thuộc nhiều nước nên đến tháng 9 mới có thể xem xét mở lại đường bay quốc tế. Dù vậy, ACV cũng xây dựng các phương án cho trường hợp đến cuối năm 2020 mới mở lại.

“Với kịch bản mở lại đường bay vào tháng 8, tôi thấy rằng thị trường hàng không 2020 đã lùi về năm 2015. Đây không chỉ là ảnh hưởng sau khi dịch được dập mà còn cả ảnh hưởng trong cả quá trình hồi phục kinh tế”, ông Thanh nói.

HĐQT công ty đã ra nghị quyết trong bất kể hoàn cảnh nào kinh doanh cũng không lỗ, lãi có thể biến thiên. Ông Thanh khẳng định giải pháp là giảm mạnh chi phí không cần thiết dù đây là một bài toán cực khó. Dù vậy, ông Thanh tin tưởng hoàn thành nhiệm vụ không lỗ trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Hiện nay tổng công ty đang chuẩn bị trình chiến lược kế hoạch 5 năm. ACV hiện vẫn là doanh nghiệp Nhà nước có mục tiêu đầu tư hạ tầng hàng không quốc gia và không đầu tư ngoài ngành.

Tiếp tục cập nhật..


Theo Huy Lê

Người đồng hành

Trở lên trên