MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Họp ĐHĐCĐ Gạo Trung An: Dừng bán đất ở Cần Thơ, lên phương án chào bán gần 80 triệu cp

27-06-2022 - 15:10 PM | Doanh nghiệp

Họp ĐHĐCĐ Gạo Trung An: Dừng bán đất ở Cần Thơ, lên phương án chào bán gần 80 triệu cp

Doanh nghiệp huy động vốn cho kế hoạch phát triển nguyên liệu lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vùng tứ giác Long Xuyên giai đoạn 2021-2025.

Chào bán gần 80 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 1.575 tỷ đồng

Sáng 27/6, Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung An ( HNX: TAR ) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 để thông qua kế hoạch phát hành 39,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 50%. Giá chào bán 15.000 đồng/cp, tương ứng số tiền huy động 587 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện là sau khi chia cổ tức cổ phiếu 2021 tỷ lệ 10%.

Tiếp theo, doanh nghiệp phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 56,18% trên vốn điều lệ sau khi thực hiện xong phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán 20.000 đồng/cp, giá trị thu về dự kiến 800 tỷ đồng. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Như vậy, sau các đợt phát hành, Gạo Trung An sẽ tăng vốn điều lệ từ 712 tỷ đồng lên 1.575 tỷ đồng. Doanh nghiệp huy động vốn cho 2 mục tiêu.

Thứ nhất, nâng cao năng lực vốn, đáp ứng vai trò là đối tác được Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn để phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vùng tứ giác Long Xuyên giai đoạn 2021-2025.

Thứ 2, đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao vùng tứ giác Long Xuyên phục vụ xuất khẩu, mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo chất lượng cao hướng hữu cơ vào các thị trường như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc… với kim ngạch tối thiểu 800 triệu USD/năm.

Ngoài ra, Gạo Trung An có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 0% lên 49% và chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu theo giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa. Ban lãnh đạo muốn tận dụng tốt nguồn vốn, kinh nghiệm, năng lực quản trị, mạng lưới của khối ngoại để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến mô hình quản trị điện đại, thị trường thế giới.

Cuối cùng, HĐQT đề xuất huy động 500 tỷ đồng để đầu tư M&A các doanh nghiệp và dự án có tiềm năng về ngành nông lâm ngư nghiệp hoặc ngành y tế. Địa điểm thực hiện dự án là khu vực phía nam, miền đông/tây nam bộ.

Kế hoạch lãi 110 tỷ đồng

Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch gồm doanh thu 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 13,7% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ cổ tức 10%. So với kế hoạch mà HĐQT công bố vào đầu năm, doanh thu giữ nguyên nhưng lợi nhuận giảm mạnh từ mức 600 tỷ đồng về 110 tỷ đồng.

Năm 2021, doanh thu đạt 3.120,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 96,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 15,7% so với cùng kỳ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, HĐQT trình chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 10%. Đồng thời, công ty đang cần vốn cho việc phát triển cánh đồng lúa hữu cơ ở Kiên Giang nên không trích các quỹ.

Về mục tiêu phát triển tại thị trường nội địa, Trung An mục tiêu định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chất lượng an toàn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và organic, với sản phẩm chính là gạo sạch Trung An và Gạo hữu cơ Trung An. Đối với thị trường xuất khẩu, Trung An sẽ phát triển đẩy mạnh từ bán lẻ xuất khẩu sang bán buôn xuất khẩu tại các nước phát triển như Đức, Australia, Mỹ, Malaysia, UAE…

Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu.

Năm 2021, nguồn thu từ thị trường nội địa chiếm tới 81,2% cơ cấu doanh thu. Song, về thị trường xuất khẩu, doanh thu xuất khẩu năm 2021 tăng trưởng về kim ngạch so với năm 2020; trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Hàn Quốc, chiếm đến 47,4% trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cổ đông năm nay sẽ miễn nhiệm chức vụ Thành viên Ban Kiểm soát đối với bà Phạm Trần Thuỳ An theo thư từ nhiệm từ ngày 1/6, và bầu thay thế một người mới.

Họp ĐHĐCĐ Gạo Trung An: Dừng bán đất ở Cần Thơ, lên phương án chào bán gần 80 triệu cp - Ảnh 1.

Ông Phạm Thái Bình - CEO trả lời cổ đông. Ảnh: Chụp màn hình

Đại hội thảo luận: ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc trả lời

Giữ lại đất ở Cần Thơ để làm dự án, làm du lịch nông nghiệp

- Công ty có ý định phát triển du lịch nông nghiệp không khi có cánh đồng với đàn chim hoang dã đến ở đông và cảnh quan đẹp?

- Bản thân tôi là người đam mê làm nông nghiệp. Với cánh đồng này, ban đầu doanh nghiệp chỉ phát triển trồng lúa hữu cơ, việc có đàn chim về cánh đồng là may mắn. Tính đến hiện nay, việc phát triển vùng để đàn chim ở sinh sôi đã đạt 26 ha.

Từ 2 năm trước, công ty đã có ý định phát triển du lịch nông nghiệp. Gạo Trung An đang cung cấp gạo sạch cho các trường học ở TP HCM. Các trường đã ngỏ ý hỏi doanh nghiệp có tổ chức tour du lịch cho học sinh, sinh viên để có trải nghiệm thực tế không. Công ty chắc chắn sẽ làm du lịch nhưng phải có lộ trình, cuối năm 2022 thực hiện do du lịch kèm theo những vấn đề về môi trường, sinh thái.

Nhìn chung, Gạo Trung An chắc chắn sẽ dùng cánh đồng lõi ở tứ giác Long An để làm du lịch để có thêm nguồn thu nhưng làm lớn thì chưa có kế hoạch, làm từ từ theo lộ trình.

- Vào tháng 3, công ty đưa ra thông tin bán lô đất ở Cần Thơ thu về 500 tỷ, đến nay chưa thấy thông tin?

- Đầu năm, ban lãnh đạo thấy đất Cần Thơ tăng mạnh về giá trị. HĐQT có ý định bán để lấy vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, năm nay có nhiều cơ chế chính sách phát triển riêng cho đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó, thành phố Cần Thơ là trung tâm. Miếng đất của công ty khá lớn, nằm ở trung tâm thành phố, vị trí đắc địa nên ban lãnh đạo muốn để lại hợp tác với đối tác làm dự án đem lại điểm nhấn, lợi nhuận mang về dự kiến 500 tỷ thu được khi bán đi.

Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận kế hoạch năm 2022 giảm so với kế hoạch đưa ra đầu năm.

- Chi phí đầu vào vật tư tăng cao như phân bón, xăng dầu… thì ảnh hưởng đến công ty thế nào?

- Từ năm ngoái đến năm nay chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp như phân bón, xăng dầu tăng rất cao. Bộ Nông nghiệp có nhiều giải pháp như hạn chế xuất khẩu phân bón, kêu gọi nông dân tăng cường sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp để thay thế. Còn việc xăng dầu tăng cao thì phải chấp nhận.

Công ty hợp tác với nông dân để có đầu ra cũng có giải pháp cụ thể như khuyến cáo nông dân giảm giống và giảm phân trong khi vẫn đảm bảo năng suất. Trước đây, mỗi ha dùng 200 kg giống thì nay giảm phân nửa, phân cũng tương tự.

Một giải pháp khác là công ty đang lắp đặt nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ ngay tại vùng trồng. Gạo Trung An cũng tăng giá mua lúa tươi cho người nông dân.

- Kế hoạch phát triển dự án điện trấu ở Sóc Trăng?

- Đây là dự án nhà máy điện xử dụng rác thải sinh hoạt, nguyên liệu là rác thải rắn chứ không phải trấu. Công ty có 2 dự án được 2 tỉnh (ở đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung) chọn làm chủ đầu tư qua đấu thầu, song còn vướng quy hoạch điện VIII. Ban lãnh đạo dự kiến trong năm nay có thể được khởi công do quy hoạch điện VIII hiện rất được quan tâm và kỳ vọng tháng 7 phê duyệt.

Tồn kho lớn để đón đầu xu hướng tăng giá gạo do thiếu lương thực trên toàn cầu

- Tầm nhìn 6 tháng cuối năm 2022 của ngành gạo, chi phí và lợi nhuận?

- Tình hình xuất khẩu gạo của công ty nói riêng và cả Việt Nam nói chung là khả quan 6 tháng đầu năm. Sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm của công ty tăng 68% và kim ngạch tăng 17%. Diễn biến này là do tình hình khan hiếm lương thực trên toàn thế giới. Tôi cho rằng tình hình lương thực vẫn thiếu hụt trên thế giới cho đến 2023 nên xuất khẩu gạo vẫn tăng trưởng.

Công ty đang phát triển gạo hữu cơ để hướng đến thị trường cao cấp ở châu Âu, gạo và sản phẩm sau gạo như bún, phở ở châu Âu đặt hàng nhiều đơn vị làm không kịp.

Dù vậy, gạo của Việt Nam tăng rất chậm bất chấp chi phí đầu vào tăng cao. Song, tôi đánh giá lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp vẫn đảm bảo.

- Tại sao hàng tồn kho và khoản phải thu tăng mạnh?

- Đặc thù của Gạo Trung An đi theo phân khúc chất lượng cao. Công ty tăng mạnh hàng tồn kho do đi theo phân khúc chất lượng cao, có những sản phẩm chỉ làm 1 vụ không có sẵn trên thị trường nên phải tồn kho để đảm bảo cung ứng. Với tình hình thiếu lương thực trên thế giới hiện nay thì Gạo Trung An tự tin sẽ xuất hết, không đáng ngại.

Các khoản phải thu tăng cao phát sinh bình thường và cũng tự tin sẽ thu được.

- Ban lãnh đạo nhận định thế nào về việc thiếu lương thực trên thế giới, có kế hoạch tăng tỷ trọng xuất khẩu không?

- Ban lãnh đạo có tính tới và dự báo giá gạo Việt Nam chắn chắn phải tăng trong bối cảnh hiện nay. Tồn kho lớn cũng là một phần để chuẩn bị đón đầu cho việc này. Công ty chiến lược để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thiếu như châu Phi.

Đại hội kết thúc với việc thông qua nội dung HĐQT trình.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

Trở lên trên