Họp ĐHĐCĐ PV Power: Lãi 6 tháng đầu năm ước hoàn thành 76% kế hoạch năm
Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.553 tỷ đồng, bằng 92% cùng kỳ nhưng đã đạt 76% kế hoạch năm.Công ty sẽ mua khí từ Petronas để sung cho các nhà máy điện.
Sáng 12/6, Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW ) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2020. Đại hội có sự tham dự và ủy quyền của các cổ đông đại diện hơn 86,16% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành.
Ước lãi 6 tháng đạt 1.553 tỷ đồng
Năm 2019, ban lãnh đạo PV Power đánh giá nguồn khí ngày càng suy giảm ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo đủ khí và độ khả dụng của các nhà máy điện khí. Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, chi phí bảo dưỡng sửa chữa ngày một lớn. Tổng công ty đang có nhiều dự án đầu tư mới với nhu cầu vốn lớn, tiến độ sát cần phải tập trung và huy động nguồn lực lớn để đảm bảo tiến độ.
Năm 2020, ban lãnh đạo đặt mục tiêu tổng sản lượng điện là 21.600 triệu kWh, trong đó nhà máy điện Cà Mau 1&2 đạt 7,044 tỷ kWh, nhà máy điện Vũng Áng 1 đạt sản lượng 6,248 tỷ kWh, Nhơn Trạch 2 đạt 4,5 tỷ kWh.
Cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu đạt 35.449 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với mức thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm 28,4% còn 2.044 tỷ đồng. Cổ tức năm 2019 tỷ lệ 3% bằng tiền mặt.
Tại phần thảo luận, ban lãnh đạo công ty ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 16.175 tỷ đồng, bằng 88% cùng kỳ và đạt 46% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.553 tỷ đồng, bằng 92% cùng kỳ nhưng đã đạt 76% kế hoạch năm.
|
ĐHĐCĐ thông qua phương án đầu tư xây dựng công trình nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) với tổng công suất khoảng từ 1.300 MW đến 1.760 MW (bao gồm hai nhà máy điện, mỗi nhà máy công suất khoảng 650 MW đến 880 MW). Nhiên liệu sử dụng là khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ kho cảng LNG Thị Vải, tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn LNG/năm. Nhiên liệu dự phòng là dầu DO. Dự án sẽ được phê duyệt vào tháng 6/2020 và khởi công trong quý II/2021. Số tiền đầu tư dự kiến là 32.481 tỷ đồng với cơ cấu vốn chủ sở hữu là 25% và vốn vay là 75%.
Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. |
Đối với công tác đầu tư xây dựng khác, PV Power cho biết sẽ tiếp tục xúc tiến các dự án cung cấp khí LNG cho cụm nhà máy điện Cà Mau, Nhơn Trạch, dự án nhà máy điện sử dụng LNG tại tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang và các dự án năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, lãnh đạo công ty chia sẻ có kế hoạch trung tu B3 tổ máy T11 Nhơn Trạch 1 kết hợp tiểu tu lò 11, trung tu Nhơn Trạch 2, trung tu Thủy điện Đakđrinh, tiểu tu Thủy điện Hủa Na và khắc phục bất thường tại Vũng Áng 1.
Mua khí của Petronas bổ sung cho nhà máy điện Cà Mau 1 và 2
Hiện nay, do nguồn khí cho Cà Mau 1 và 2 theo quy định của Hợp đồng cung cấp khí hiện hữu không đảm bảo cung cấp đủ khí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, PV Power đang làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc mua bổ sung thêm các nguồn khí. Nguồn khí dự kiến mua bổ sung thêm mua từ Petronas (Malaysia) thông qua đường ống PM3 - Cà Mau.
ĐHĐCĐ thông qua nội dung bổ sung sửa đổi về việc mua bổ sung thêm nguồn khí từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt để đảm bảo cung cấp đủ khí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhơn Trạch 1. Thời gian thực hiện sẽ không muộn hơn tháng 1/2021.
Ngoài ra, dự án chuyển đổi nhiên liệu phụ từ dầu HFO sang dầu DO Vũng Áng 1 được PV Power phê duyệt từ năm 2018. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án bị chậm so, đến ngày 20/11/2019 máy bơm dầu DO tổ máy số 1 mới hoàn thành công tác lắp đặt và vận hành ổn định.
Liên quan đến vấn đề tái cấu trúc, thoái vốn tại các doanh nghiệp, PV Power đang đầu tư vào 5 đơn vị với số vốn góp chi phối và 9 đơn vị góp vốn dưới chi phối. Việc thoái vốn ở những đơn vị liên kết, đơn vị hoạt động kém hiệu quả, đơn vị không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty còn chậm. Đến nay, danh mục thoái vốn giai đoạn 2016-2020 vẫn còn 8 đơn vị thành viên/liên kết phải thực hiện thoái vốn.
Chia sẻ về công nợ giữa EVN/EPTC và PV Power, ban lãnh đạo cho biết vấn đề này phát sinh từ tháng 2/2018 do EVN đơn phương báo cáo Hội đồng quản trị giữ lại phí công suất của nhà máy điện Cà Mau. Hợp đồng giữa 2 bên ký bằng USD và khi thanh toán lấy theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán nên có sự chênh lệnh lớn, trung bình mỗi tháng giá trị thiệt hại khoảng 55-60 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, con số khoảng 1.500 tỷ đồng.
Về vấn đề dịch bệnh, công ty cho biết dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến cán bộ công nhân viên của nhà máy do công ty đã thực hiện các biện pháp ngay từ đầu. Tuy nhiên, tất cả các nhà máy đều bị ảnh hưởng về sản lượng phát điện do nhu cầu sử dụng ở các khu công nghiệp giảm mạnh dù điện sinh hoạt có chiều hướng tăng trong giai đoạn vừa qua.
Người đồng hành