Họp ĐHĐCĐ TCM: Ước lãi quý II tăng 36% so với cùng kỳ, tận dụng EVFTA đẩy doanh số vải
Công ty lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế 189 tỷ đồng, giảm 13% so với thực hiện năm trước.Kết quả kinh doanh quý II khả quan nhờ đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn xuất đi Mỹ.Doanh nghiệp tận dụng EVFTA và nhu cầu tăng để đẩy mạnh doanh số bán vải đan kim cho khách hàng trong nước.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công ( HoSE: TCM ) diễn ra sáng ngày 20/6, Tổng giám đốc Lee Eun Hong đánh giá 2020 là năm rất khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam nói chung và TCM nói riêng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vào tháng 11, doanh nghiệp dự kiến doanh thu tăng khoảng 20% nhưng sau khi dịch bệnh diễn ra thì phải điều chỉnh mục tiêu doanh thu. Theo đó, doanh nghiệp đề ra kế hoạch kinh doanh 2020 gồm doanh thu 3.780 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 189 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và giảm 13% so với thực hiện năm trước.
Ông Hong cho biết thêm, tháng 3, khách hàng từ Mỹ và EU thông báo cho nhà cung cấp tại Việt Nam muốn giảm lượng đơn đặt hàng. Tuy nhiên, trong tháng 5 và 6, công ty xuất được nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế sang Mỹ với doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt, bù đắp được sự thiếu hụt đơn hàng truyền thống trong quý II. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn để vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19 nhằm đảm bảo công việc và thu nhập cho người lao động.
Về chiến lược kinh doanh, công ty tập trung vào đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh R&BD phối hợp cùng Viện nghiên cứu dệt may Hàn Quốc KOTITI để phát triển các mặt hàng sợi và vải mới dựa trên nhu cầu của khách hàng và xu hướng thời trang trong tương lai.
Đồng thời, nhu cầu vải đan kim ngày càng tăng do thiếu nguồn cung vải từ Trung Quốc cũng như Hiệp định EVFTA vừa được Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực kể từ 1/8/2020, TCM sẽ tăng doanh số bán vải đan kim cho khách hàng trong nước.
Mặt khác, với xu hướng bán lẻ online càng gia tăng, doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác các nhà bán lẻ online. Đó là ý do HĐQT trình bổ sung ngành bán lẻ may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh; sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác; kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử…
Về bất động sản, công ty đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt văn bản pháp lý, ngay sau khi hoàn thành, dự án sẽ được khởi công.
Vải làm từ ngô do TCM nghiên cứu, có khả năng tự hủy trong vòng 3-6 tháng. Ảnh: M.H |
Ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT cho biết tính chung các đơn hàng truyền thống (áo thun) và đơn hàng mới (đồ bảo hộ y tế, khẩu trang) thì đủ 100% đơn hàng cho tháng 7 và khoảng 80% cho quý III.
Doanh thu quý II ước đạt 39,2 triệu USD (905 tỷ đồng), tăng 15,5%; lợi nhuận sau thuế khoảng 3 triệu USD (69,3 tỷ đồng), tăng 36% so với quý II/2019. Lũy kế 6 tháng doanh thu ước thực hiện 72,9 triệu USD (1.684 tỷ đồng), giảm 3,3% so cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 triệu USD (104 tỷ đồng), tăng 10% so cùng kỳ và thực hiện 55% kế hoạch năm.
Dù vậy, đại diện TCM cho biết khó dự báo tình hình thị trường 6 tháng cuối năm. Năm nay, doanh nghiệp tập trung mạnh cho đội ngũ kinh doanh để tìm kiếm đơn hàng từ mọi nguồn.
Với khoản phải thu từ khách hàng Mỹ nộp đơn phá sản (Sears Holdings) vào năm 2018, bà Phan Thị Huệ - Chủ tịch HĐQT chia sẻ doanh nghiệp thu hồi lại được 20%. 80% còn lại đã tiến hành trích lập và sẽ thu hồi.
Sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản của TCM. Ảnh: M.H |
Chia cổ tức 12% cho năm 2019
Năm 2019, công ty đạt 3.644 tỷ đồng doanh thu, thực hiện 92% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 216 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch và giảm 17% so với năm trước. Kết quả kinh doanh giảm do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm nhu cầu về sợi và hàng may mặc giảm. Cụ thể, thị trường nhập khẩu sợi chính (chiếm 60%) của Việt Nam là Trung Quốc giảm đáng kể làm cho giá bán và tồn kho của TCM tăng cao, doanh thu từ sợi chỉ đạt 77% kế hoạch năm. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu dệt may thế giới giảm hơn 50% so với năm 2018, sản lượng đơn hàng giảm, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn và cạnh tranh gay gắt về giá.
Ngoài ra, năm 2019, doanh nghiệp không còn khoản lợi nhuận đột biến từ giao dịch chuyển nhượng, đầu tư khác.
Với kết quả đạt được năm qua, HĐQT trình cổ đông phương án chia cổ tức tỷ lệ 12%, đã tạm ứng 5% bằng tiền mặt, 7% còn lại chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn đầu tư và phát triển, dự kiến triển khai trong tháng 8. Tỷ lệ cổ tức kế hoạch năm 2020 ở mức 10%.
Đại hội kết thúc với việc các tờ trình được thông qua.
Người đồng hành