Họp ĐHĐCĐ VEAM: Bà Nguyễn Thị Nga đề nghị thời gian chia cổ tức, hoàn thành quyết toán cổ phần hóa
Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2020 là 6.741 tỷ đồng, giảm 4% so với thực hiện 2019.Ông Nguyễn Khắc Hải được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế ông Bùi Quang Chuyện.
- 03-05-2020VEAM: Quý 1 lãi 1.325 tỷ đồng tăng 4% so với cùng kỳ
- 08-03-2020Khởi tố thêm cựu lãnh đạo Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)
- 16-01-2020Khởi tố, bắt giam lãnh đạo Nhà máy ô tô Veam về tội "Tham ô tài sản"
Sáng ngày 29/6, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA ) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Đại hội có sự tham dự và ủy quyền của các cổ đông đại diện hơn 95,45% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của VEAM. Ảnh: HT.
Nguyễn Khắc Hải, quyền Tổng giám đốc, cho biết thị trường động cơ, máy nông nghiệp tiếp tục cạnh tranh khó khăn. Chính sách thuế VAT bất lợi đối với sản xuất trong nước. Hầu hết công ty có vốn góp của VEAM hoạt động trong lĩnh vực này tiếp tục suy giảm so với năm trước. Năm 2019 cũng là năm khó khăn của công ty khi chi nhánh ôtô của VEAM tiêu thụ hàng tồn kho Euro 2 (xe tải sử dụng động cơ diesel đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2) chậm trong khi việc tiêu thụ xe Euro 4 (xe tải sử dụng động cơ diesel đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4) còn hạn chế. Theo số liệu của VAMA, thị trường xe tải trong năm 2019 giảm 8% so với năm trước đó.
Năm 2019, VEAM ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất ở mức thấp 4.488 tỷ đồng, giảm 37% so với thực hiện năm 2018. Tuy nhiên, doanh thu tài chính và lãi liên kết tăng mạnh đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng 4%, đạt 7.319 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 7.043 tỷ đồng, tăng 35%.
Với kết quả đạt được, doanh nghiệp trình phương án chia cổ tức năm 2019 với tổng giá trị 6.979 tỷ đồng, tương đương với hơn 5.252 đồng/cp (tỷ lệ hơn 52,5%). Lợi nhuận để lại sau chia cổ tức còn 59 tỷ đồng.
Về kế hoạch năm 2020, VEAM dự kiến doanh thu của cổ đông công ty mẹ đạt 1.171 tỷ đồng, tăng 71% so với thực hiện 2019 nhưng lại giảm 51% so với kế hoạch năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 6.741 tỷ đồng, giảm 4% so với thực hiện 2019.
Ông Hải cho biết doanh thu dự kiến tăng do VEAM tập trung đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho và tăng doanh thu thương mại thông qua việc hợp tác với các đơn vị thành viên trong việc cung cấp vật tư đầu vào. Lợi nhuận giảm do các công ty liên doanh chịu tác động của Covid-19 và giảm lãi tiền gửi ngân hàng.
HĐQT trình cổ đông về việc niêm yết cổ phiếu VEA trên sàn chứng khoán để nâng cao tính minh bạch, tăng tính thanh khoản và vị thế doanh nghiệp. Năm 2019, VEAM đã không thực hiện kịp việc niêm yết do chưa đáp ứng đầy đủ quy định của Sở GDCK TP HCM (HoSE) về ngoại trừ trọng yếu trên BCTC năm 2018-2019 liên quan đến hàng tồn kho và các khoản phải thu.
Bà Nguyễn Thị Nga hiện là Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Ngoài ra, bà Nga còn nắm giữ nhiều vị trí quan trọng khác như Chủ tịch HĐQT của Intimex Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI)...Bà Nga đại diện cho Hà An - doanh nghiệp sở hữu 6% tại VEAM.
Đồng thời, ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐQT chia sẻ nếu sở hữu nhà nước dưới 50% sẽ ảnh hưởng đến hoạt động liên doanh của Toyota và Honda. Ngoài ra, với mức lợi nhuận cao hằng năm, bộ phận đại diện vốn đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để nhà nước tiếp tục giữ nguồn vốn chi phối.
Theo chia sẻ trước đây của các lãnh đạo VEAM, nếu có đối tác mua trên 51% cổ phần VEAM sẽ cử người vào HĐQT của Honda và Toyota Việt Nam thay cho đại diện phần vốn của Nhà nước.
Ông Chuyện cũng cho biết việc thoái vốn sẽ phụ thuộc vào Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và cơ quan có thẩm quyền. Liên quan đến thời gian chi trả cổ tức, ông Chuyện cho biết đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có ý kiến trả lời Bộ Công Thương. Do đó, ông Chuyện đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định sau khi có sự cho phép của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Ông Ngô Văn Tuyển, Thành viên HĐQT cho biết 5 tháng đầu năm thị phần về xe CKD (xe lắp ráp trong nước) của Ford và Honda có sự suy giảm, tuy nhiên xe nhập khẩu tăng lên. Nguyên nhân một phần đến từ việc suy giảm thị trường và một phần đến từ chính các hãng cơ cấu lại sản phẩm để có những phát triển trong thời gian tới. Honda tiếp tục đầu tư mở rộng về lắp ráp ô tô và Ford có dự án công bố là 80 triệu USD, sản lượng thiết kế tăng từ 14.000 lên hơn 40.000 xe. Về thị phần xe máy, ông Tuyển cho hay Honda đang có thị phần quá cao (hơn 80%) và sẽ không có đối thủ nào có thể giành được thị phần của Honda.
Ông Nguyễn Khắc Hải được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Bùi Quang Chuyện
HĐQT trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm 4 thành viên HĐQT là bà ông Bùi Quang Chuyện, ông Ngô Văn Tuyển, ông Lê Hữu Phúc và ông Vũ Quang Tâm. Đồng thời, bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT và 1 thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022. Các ứng cử viên là ông Nguyễn Khắc Hải, ông Phan Phạm Hà và ông Phan Kim Thoa.
Ông Nguyễn Khắc Hải từng là Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc của VEAM đến tháng 1/2017. Hiện ông Hải đang đại diện sở hữu hơn 465 triệu cổ phần VEAM. Ông Phan Phạm Hà hiện đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Nội và là người đại diện phần vốn Nhà nước tại VEAM từ tháng 12/2019. Ông Hà đại diện cho hơn 438,5 triệu cổ phiếu VEAM.
Ông Phan Kim Thoa từng là Phó Tổng giám đốc của Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp. Các thành viên còn lại trong HĐQT là bà Nguyễn Thị Nga và ông Nguyễn Tiến Vỵ.
Ngay sau khi được bầu, HĐQT thông báo ông Nguyễn Khắc Hải được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế ông Bùi Quang Chuyện. Ông Phan Phạm Hà được bầu làm Tổng giám đốc.
Chia sẻ về việc có sự xáo trộn lãnh đạo cấp cao, ông Hải cho biết việc này không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty do VEAM đã có những kế hoạch mang tính dài hạn, vận hành theo hệ thống, tính kế thừa và nối tiếp sẽ được duy trì.
Từ trái sang: Ông Phan Phạm Hà, ông Nguyễn Khắc Hải, ông Bùi Quang Chuyện, ông Phan Kim Thoa. Ảnh: Hải Triệu |
Người đồng hành