MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hợp tác công tư PPP phát triển hạ tầng: Cách nào hấp dẫn nhà đầu tư?

Phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP) được xem là giải pháp giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, tuy nhiên loại hình hợp tác này đang còn vướng mắc.

Triển khai các dự án hạ tầng xã hội còn nhiều vướng mắc

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 150 đại biểu đại diện lãnh đạo ban, bộ, cơ quan Trung ương, đại diện một số địa phương và đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp.

Hợp tác công tư PPP phát triển hạ tầng: Cách nào hấp dẫn nhà đầu tư? - Ảnh 1.

Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhấn mạnh, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội là 1 trong 3 đột phá chiến lược được đề ra trong 3 kỳ Đại hội Đảng liên tiếp. Cụ thể, Đại hội lần thứ XI, XII đề ra và được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Để thực hiện được đột phá chiến lược này, Đảng đã xác định cần tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách… để huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Nghị quyết 13-NQ/TW khoá XI đưa ra định hướng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2020, bao gồm cả hạ tầng giao thông, giáo dục và đào tạo, y tế … Nghị quyết 10-NQ/TW khoá XII đề ra giải pháp hoàn thiện thể chế để đẩy mạnh thực hiện cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư, khai thác, sử dụng, kinh doanh các dự án, công trình kết cấu hạ tầng.

Theo ông An, hiện nay nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng).

“Như vậy vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” - ông An nhấn mạnh.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn chứng tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, việc huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức đối tác công tư đã được áp dụng từ lâu và đóng góp đáng kể cho việc phát triển hạ tầng xã hội của mỗi quốc gia.

Hợp tác công tư PPP phát triển hạ tầng: Cách nào hấp dẫn nhà đầu tư? - Ảnh 2.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu khai mạc hội thảo

Nhìn lại thực tế của Việt Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, những năm qua, hàng nghìn tỷ đồng vốn tư nhân đã được huy động để xây dựng quốc lộ, đường cao tốc, nhà máy điện và nhiều dự án góp khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng xã hội theo phương thức đối tác công tư ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP và việc triển khai các dự án PPP mới.

Trước thực tế số lượng dự án PPP mới còn hạn chế, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác, ông An cho rằng, nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy vai trò dẫn dắt, làm “vốn mồi” để thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo ông An, tình hình đó đặt ra 5 vấn đề mà hội thảo cần tập trung, trao đổi, làm rõ:

Thứ nhất, thể chế, chính sách, pháp luật hiện tại đã thực sự xây dựng được môi trường thúc đẩy đầu tư các dự án PPP bền vững tại Việt Nam?

Thứ hai, những vướng mắc lớn trong triển khai các dự án PPP tại Việt Nam?

Thứ ba, có khả năng mở rộng các lĩnh vực khác để áp dụng PPP không?

Thứ tư, cơ chế, chính sách đã phù hợp để phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công?

Thứ năm, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP?

“Chúng tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị, tổ chức quốc tế để đánh giá sâu sắc hơn về kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Việt Nam thời gian qua để từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư theo phương thức đối tác công tư thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và một số dịch vụ công ích” - ông An nói.

Hợp tác công tư PPP phát triển hạ tầng: Cách nào hấp dẫn nhà đầu tư? - Ảnh 3.

phát biểu tại hội thảo

Dư nợ cho vay đối với các dự án đầu tư BOT, BT còn khiêm tốn

Tại phiên toàn thể, các đại diện từ Bộ, ngành, ngân hàng, tổ chức quốc tế tập trung trao đổi về tình hình thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực trạng và giải pháp; đánh giá khách quan về những kết quả đạt được trong triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Việt Nam; phân tích những khó khăn, hạn chế trong thực hiện triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Theo đó, số lượng các dự án mới còn hạn chế. Lĩnh vực đầu tư PPP mới chỉ tập trung trong lĩnh vực giao thông. Nguồn vốn ngân sách chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt thu hút các nguồn lực khác. Cơ chế bảo đảm đầu tư còn nhiều bất cập.

Nguyên nhân của các hạn chế, khó khăn cũng đã được phân tích như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn còn thiếu hiệu quả. Nhiều dự án được lựa chọn áp dụng PPP chưa khả thi. Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa quy định một số lĩnh vực như văn hóa, thể thao, du lịch; chưa có quy định về cơ chế hiện thực hoá cam kết của phía Nhà nước đối với các bảo lãnh trong hợp đồng PPP…

Từ những vướng mắc trên, các đại biểu đã cùng trao đổi, đề xuất giải pháp xây dựng môi trường thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư tin cậy, bền vững; thảo luận về những vướng mắc trong cơ chế tài chính đối với dự án PPP; kỳ vọng của nhà đầu tư quốc tế đối với phương thức PPP; đưa ra các giải pháp thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong các ngành, lĩnh vực như y tế, giao thông; kinh nghiệm triển khai các dự án PPP trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng và xã hội tại địa phương…

Lý giải lý do doanh nghiệp nước ngoài không “mặn mà” đầu tư vào các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Chuyên gia tư vấn ADB, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất ít khi đầu tư vào hạ tầng mà chỉ tập trung lĩnh vực năng lượng. Bởi đầu tư PPP trong lĩnh vực năng lượng có chính sách rất rõ ràng, không "lùng nhùng" như với các dự án giao thông.

Mặt khác, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hình thức hợp tác công tư, nhà nước cần có cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư bằng cách chuẩn bị sẵn nguồn lực khi cần thiết.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Bích Hồng, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến hết quý I/2023 dư nợ cho vay đối với các dự án đầu tư BOT, BT khoảng 92 nghìn tỷ đồng. Đây là con số còn khiêm tốn.

Về nguyên nhân khiến vốn đổ vào các dự án này còn hạn chế, theo bà Hồng có yếu tố từ việc các dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Ngân hàng khi cho vay phải tính đến bài toán có lời và giảm thiểu rủi ro. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp tham gia vào các dự án còn hạn chế, vốn góp của họ chỉ chiếm 20%, trong đó phần lớn là vốn vay trong khi dòng tiền không ổn định. Khi khó khăn nhất thời điểm dịch Covid-19 thì dòng thu phí của các dự án BOT giảm 30 - 40%” - bà Hồng phân tích.

Đưa ra giải pháp, bà Hồng kiến nghị, phải có cơ chế rõ ràng chia sẻ rủi ro giữa khu vực tư nhân và Nhà nước. Bởi vậy vấn đề đặt ra cần có quỹ chung. Thời gian tới cần quan tâm tới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó vốn ngân hàng là quan trọng, hỗ trợ cho việc cho vay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước quan tâm tới việc rủi ro và chia sẻ rủi ro nên cần hoàn thiện hơn về khuôn khổ pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo.

“Phải rõ ràng cơ chế, trách nhiệm giữa các bên. Trong quá trình xử lý các vướng mắc cần sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trực tiếp cho vay các dự án để họ có thể nghe vướng mắc từ đâu để tháo gỡ các khó khăn trong xử lý dòng tiền để đảm bảo khả năng trả nợ cho các dự án" - bà Hồng nêu vấn đề.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, cần hoàn thiện hàng lang pháp lý, nhất là dự án PPP đang gặp khó khăn trong thay đổi tư duy.

“Cần tháo gỡ những vướng mắc về thực hiện PPP trong các lĩnh vực hạ tầng kinh tế xã hội để tạo niềm tin trong thị trường, trong đó cần chú ý đến vai trò của truyền thông để chính sách đi vào cuộc sống” - bà Vũ Quỳnh Lê nói.


Theo Lê Na

Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên