HOREA: Còn “mập mờ” định nghĩa về nhà ở xã hội
Theo HOREA, định nghĩa về nhà ở xã hội tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện còn bất cập khi chưa phân định rõ ràng và có thể gây nhầm lẫn trong thực thi khi xác định đối tượng được hưởng ưu đãi.
- 11-09-2023TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung gần 550 ha đất xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
- 11-09-2023Người nghèo khó tiếp cận nhà ở xã hội
- 07-09-2023HOREA: Hầu như người mua nhà ở xã hội không vay được tín dụng ưu đãi
Thông tin đến MarketTimes, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) đánh giá nội dung giải thích liên quan đến nhà ở xã hội tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) - [Dự thảo] vẫn còn bất cập.
Cụ thể, hiện Dự thảo giải thích nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật này.
Tuy nhiên, theo ông Châu, không phải tất cả các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở thì nhà ở đó là nhà ở xã hội, như nhà ở của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở, hoặc hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn, hoặc hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hoặc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 74 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thì nhà ở của các đối tượng này không phải là nhà ở xã hội, mà là nhà ở thuộc sở hữu của cá nhân, hộ gia đình.
Do đó, Chủ tịch HOREA kiến nghị cần có sự phân biệt rõ 2 nhóm chính sách hỗ trợ về nhà ở, một là chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hai là chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở.
“Cần giải thích nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật này, bao gồm nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, sinh viên, học viên, học sinh, nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Bất cập “người giàu mua nhà ở xã hội”
Bên cạnh việc kiến nghị cần giải thích rõ nhằm phân định cụ thể các nhóm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội, Chủ tịch HOREA cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện về thu nhập của các đối tượng để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập hoặc chịu thuế thu nhập bậc 1 theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo đó, ông Châu đánh giá, trong thực tế, nhiều người làm thêm nghề tay trái, mà nghề tay trái này lại tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với thu nhập của nghề tay phải thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức, nên người này vẫn hội đủ tiêu chí điều kiện về thu nhập (không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân) để được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Hiện nay, Luật Nhà ở quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương, mà không tính các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương.
Từ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thời gian qua, theo ông Châu rất cần thiết sửa đổi Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân và điểm b khoản 1 Điều 76 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Cụ thể, vị Chủ tịch HOREA kiến nghị xem xét cho phép đối tượng chịu thuế thu nhập bậc 1 theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương trong thời hạn theo quy định của Chính phủ; đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 74 của Luật này thì phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ.
Cũng theo ông Châu cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 7 và khoản 8 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định các trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng hoặc thu nhập từ kiều hối.
Đa dạng hóa nguồn cung nhà ở xã hội
Ngoài ra, đại diện HOREA cũng cho rằng đối với bài toán phát triển nhà ở xã hội hiện nay, Luật Nhà ở sửa đổi cũng cần chú trọng nhiều hơn đến việc tạo sự đa dạng nguồn cung, bên cạnh các dự án lớn dó doanh nghiệp hoặc nhà nước đầu tư thì nguồn cung từ các hộ gia đình, cá nhân cũng cần được quan tâm đúng mức.
Cụ thể, ông Châu kiến nghị xem xét quy định cơ chế hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân là chủ nhà trọ để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê phòng trọ.
Đối với các dự án nhà ở xã hội, HOREA đề nghị bổ sung quy định khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội và đề nghị chọn Phương án 1 quy định khoản 2 và khoản 3 Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Nhịp sống thị trường