MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HoREA: Khó khăn chồng chất khiến doanh nghiệp BĐS giảm một nửa nhân viên, chiết khấu lên tới 40% sản phẩm...thị trường nhà đất đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái

07-11-2022 - 16:15 PM | Bất động sản

HoREA: Khó khăn chồng chất khiến doanh nghiệp BĐS giảm một nửa nhân viên, chiết khấu lên tới 40% sản phẩm...thị trường nhà đất đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái và có một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn.

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM mới đây có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái và có một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp để tồn tại.

Cụ thể, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO), mà điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Theo HoREA, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có “rủi ro” do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc bán dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thôn tính” có thể làm mất đi “lợi thế” của doanh nghiệp nội địa đang “thống lĩnh” thị trường bất động sản hiện nay.

HoREA: Khó khăn chồng chất khiến doanh nghiệp BĐS giảm một nửa nhân viên, chiết khấu lên tới 40% sản phẩm...thị trường nhà đất đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM.

Tình thế khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm “tiền khủng hoảng” đã dẫn đến thị trường bất động sản bị “khủng hoảng đóng băng” trong giai đoạn 2008 - 2013 (trừ khoảng thời gian phục hồi ngắn ngủi từ cuối năm 2009 - 2010), HoREA nhận định.

Theo HoREA, năm 2008 và năm 2011, Chính phủ thực hiện chính sách “tiền tệ thắt chặt” đột ngột dẫn đến thị trường bất động sản ngay lập tức rơi vào “khủng hoảng đóng băng”. Cụ thể, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện chính sách “tiền tệ thận trọng, linh hoạt, không siết chặt tín dụng bất động sản bất hợp lý, kiên định mục tiêu chống lạm phát đi đôi với chống suy thoái kinh tế và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng”.

Năm 2007, năm 2009, Chính phủ thực hiện chính sách “tiền tệ nới lỏng” đi đôi với gói tín dụng “kích cầu đầu tư” tương đương 1 tỷ USD nhưng do chưa kiểm soát chặt nên kích thích thị trường bất động sản quay trở lại “bong bóng” năm 2007 và năm 2010.

Năm 2013, Chính phủ có gói tín dụng “kích cầu tiêu dùng” với quy mô 30.000 tỷ đồng (thực chi là 34.826 tỷ đồng) chủ yếu để hỗ trợ người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn (tăng “tổng cầu” nhà ở) và hỗ trợ chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2013.

Năm 2022, Quốc hội và Chính phủ có gói 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch CoVid-19, trong đó có 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi vay và 15.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà ở xã hội, người thuê phòng trọ, nhưng phần lớn gói này dành để phát triển kết cấu hạ tầng, đường giao thông là chính sách rất đúng đắn, tạo điều kiện cho nền kinh tế và thị trường bất động sản phát triển trong trung, dài hạn.

Tuấn Minh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên