MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HoREA: Mức phạt 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá là quá cao

29-04-2022 - 08:30 AM | Bất động sản

HoREA: Mức phạt 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá là quá cao

Theo HoREA, chỉ nên quy định mức xử phạt 10% giá trúng đấu giá và cấm tham gia đấu giá 2 năm nếu tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá, hoặc không thực hiện kết quả đấu giá, không thực hiện hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, bao gồm Nghị định số 43 ngày 15/5/2014. Tại dự thảo, Bộ đã bổ sung thêm Điều 17a về Đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Trong đó có những đề xuất khá "mạnh tay" với các trường hợp trúng đấu giá nhưng tự ý hủy kết quả, không nộp tiền, không đưa đất vào sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý sửa đổi một số nội dung tại Điều 17a của Dự thảo.

Điểm e khoản 5 Điều 17a Dự thảo Nghị định quy định: e) Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian năm 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. 

Theo HoREA, việc cấm tham gia đấu giá một số năm có tác dụng răn đe đối với doanh nghiệp đàng hoàng, quan tâm xây dựng uy tín thương hiệu, tuy nhiên không có tác dụng đối với các doanh nghiệp “làm ăn lôm côm”, doanh nghiệp mới do nhà đầu tư lập riêng để làm. Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất dù chỉ mới thành lập được vài tháng.  

HoREA: Mức phạt 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá là quá cao - Ảnh 1.

Do đó, quy định cấm tham gia đấu giá 5 năm với các doanh nghiệp đàng hoàng, uy tín, tuân thủ pháp luật là quá dài. HoREA đề xuất chỉ nên quy định thời hạn cấm tham gia khoảng 2 năm đối với trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá, hoặc không thực hiện kết quả đấu giá, không thực hiện hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá.

HoREA nhận thấy điểm đ khoản 5 Điều 17a Dự thảo Nghị định quy định “Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam” là chưa có căn cứ pháp luật, đồng thời từ ngữ chưa chính xác.

Theo HoREA, người tham gia đấu giá không có thẩm quyền và cũng không thể tự ý hủy kết quả trúng đấu giá. Việc hủy kết quả đấu giá tài sản, trong đó có “hủy kết quả trúng đấu giá" chỉ thực hiện trong các trường hợp được quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản 2016.     

Việc người tham gia đấu giá “phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá” cũng chưa có căn cứ pháp luật. Khoản xử phạt này chưa được quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016, không phù hợp với một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Điều 23 Nghị định 82/2020 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Hiệp hội nhận thấy điểm đ khoản 5 Điều 17a Dự thảo Nghị định chỉ được thực hiện theo bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án chứ không thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, mức phạt 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá thường có giá trị rất lớn. Đơn cử, giá trúng đấu giá của lô đất 3.12 Khu đô thị mới Thủ Thiêm lên đến 24.500 tỷ đồng, nếu áp dụng thì người tham gia đấu giá sẽ phải nộp khoản tiền lớn là 12.250 tỷ đồng và chi phí đấu giá.

Do đó, mức phạt này chỉ có thể thực hiện nếu được quy định trong Luật Đấu giá tài sản 2016 và pháp luật có liên quan, bởi khoản 3 Điều 51 Hiến pháp 2013 quy định “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”. 

Hiệp hội đề nghị bỏ quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 17a Dự thảo Nghị định. Trong trường hợp xem xét sửa đổi Luật Đấu giá tài sản 2016 và Nghị định số 82/2020, Hiệp hội đề nghị, nếu có quy định xử phạt bổ sung thì chỉ nên áp dụng mức xử phạt buộc nhà đầu tư nộp khoản tiền bằng khoảng 10% giá trúng đấu giá trong trường hợp người trúng đấu giá không thực hiện kết quả trúng đấu giá, không thực hiện hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá không có lý do chính đáng. Không nên để mức phạt quá cao lên đến “50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá” như đề xuất tại điểm đ khoản 5 Điều 17a Dự thảo Nghị định.

https://cafef.vn/horea-muc-phat-50-gia-tri-quyen-su-dung-dat-trung-dau-gia-la-qua-cao-20220429011837685.chn

Tuấn Minh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên