MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[HOT] Uber vừa đưa ra một quyết định gần như là ‘bán mình’ cho Softbank - cũng chính là nhà đầu tư vào Grab

13-11-2017 - 15:00 PM | Tài chính quốc tế

Theo thông tin từ tờ Bloomberg, Uber đã chấp thuận lời đề nghị mua lại một lượng lớn cổ phần của hãng – biến đây trở thành một trong những thương vụ lớn nhất trong lịch sử giới startup.

Thỏa thuận này sẽ cho phép Softbank và một vài công ty khác đầu tư lên tới 1 tỷ USD vào Uber. Ngoài ra, họ còn chào mua một lượng cổ phần trị giá 9 tỷ USD từ các nhà đầu tư hiện tại của ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới này. Giá trị kể trên có thể ít hơn nếu có ít nhà đầu tư sẵn sàng bán cổ phiếu hơn. Thỏa thuận này cũng dẫn tới những thay đổi trong bộ máy quản lý của Uber.

"Chúng tôi đã tham gia vào một thỏa thuận mà dẫn đầu là những tập đoàn lớn như Softbank và Dragoneer. Chúng tôi tin rằng thỏa thuận này là một minh chứng rõ ràng về tiềm năng trong dài hạn của Uber. Khi hoàn thành, nó sẽ giúp chúng tôi có khả năng đầu tư vào công nghệ và thực hiện kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, đồng thời củng cố ban lãnh đạo tập đoàn".

Một nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết, những điều kiện của thỏa thuận này đã được thảo luận trong vài tuần. Hội đồng quản trị Uber cũng đã có cuộc họp về những điều kiện của bản hợp đồng này và các luật sư cũng đang tiếp tục làm việc để hoàn thành các tiêu chí trong bản hợp đồng.

Ngoài ra như một phần của thỏa thuận, công ty đầu tư mạo hiểm Benchmark đã đồng ý hoãn vụ kiện chống lại người đồng sáng lập Uber Travis Kalanick với điều kiện sau khi Softbank thâu tóm họ sẽ tiến hành các cải cách về quản trị. Trong khi đó, đồng sáng lập Kalanick cũng "xuống nước" và đồng ý giao quyền quyết định cho hội đồng quản trị công ty về số ghế tại hội đồng quản trị mà ông đang kiểm soát nếu ông không có nhu cầu bổ sung thêm thành viên mà ông muốn.

Tất cả những động thái này đang giúp Uber vượt qua được những rắc rối to lớn sau hàng loạt bê bối từ rối loạn phương pháp lãnh đạo tới việc nhiều lãnh đạo ra đi. Hơn nữa, Softbank – một công ty lớn tại Nhật Bản hoàn toàn có khả năng giúp Uber đấu tranh lại với những đối thủ cạnh tranh tại Ấn Độ và Đông Nam Á. Trên thực tế, Softbank là nhà đầu tư lớn vào Ola và Grab – những đối thủ lớn nhất của Uber tại các khu vực này.

Hội đồng quản trị Uber đã chấp thuận việc tái thiết ban lãnh đạo nhằm thắt chặt vai trò của Kalanick tại công ty bao gồm việc cân bằng quyền biểu quyết của các loại cổ phần khác nhau vào tăng quy mô hội đồng quản trị lên 17, bổ sung thêm những giám đốc độc lập. Dẫu vậy, những thay đổi này vẫn còn tùy thuộc vào Softbank – đơn vị đầu tư vào Uber.

Sau thời gian thỏa thuận kéo dài với Uber, Softbank đã đồng ý mua cổ phần ở 1 mức giá miễn là những người bán không hợp tác với nhau để đẩy giá lên. Kalanick ban đầu phản đối thỏa thuận này nhưng cuối cùng ông đưa ra điều kiện sẽ đồng ý nếu phía Benchmark hủy bỏ quyết định kiện ông. Cuối cùng vào tuần này, Benchmark đã "dịu lại" sau khi CEO mới của công ty là Dara Khosrowshahi và những thành viên khác trong hội đồng quản trị kêu gọi công ty này làm như vậy.

Softbank, cùng với Dragoneer Investment và General Atlantic đang kỳ vọng đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào Uber và mua tới 9 tỷ USD cổ phần của Uber từ những nhà đầu tư hiện tại. Giá khởi điểm sẽ được quyết định trong vòng 1 tuần – một người thân cận với vấn đề nói. Softbank cũng kỳ vọng mua cổ phần từ Uber ở mức định giá hiện tại của công ty là 70 tỷ USD nhưng do ở thị trường chứng khoán thứ cấp nên mức giá có thể thấp hơn.

Các nhà đầu tư gồm TPG, Tiger Global, DST Global và công ty Trung Quốc Tencent Holdings có thể cũng mua cổ phần của Uber như một phần trong thỏa thuận này.

Nếu giao dịch được hoàn tất, rất có thể Kalanick sẽ trở thành tỷ phú đôla nếu như ông quyết định bán lượng lớn cổ phần đang nắm giữ tại công ty. Thỏa thuận cũng có thể trở thành thương vụ bán cổ phần riêng lẻ lớn nhất từ trước tới nay, và tạo ra nhiều triệu phú mới tại San Francisco khi những nhân viên của công ty bán cổ phần.

Uber lên kế hoạch đăng quảng cáo trên báo để thông báo với các nhà đầu tư về việc bán cổ phần. Sau đó Softbank sẽ đưa ra mức giá chào mua. Tiếp đến, các cổ đông của Uber sẽ quyết định xem họ muốn bán hay không và nếu bán thì số lượng là bao nhiêu. Nếu Softbank không có đủ người mua, họ có thể đưa ra mức giá cao hơn hoặc rút lui.

Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ

Trở lên trên