MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Houthi tấn công tàu Biển Đỏ, vì sao xuất khẩu dầu Nga không giảm?

21-01-2024 - 16:06 PM | Tài chính quốc tế

Houthi tấn công tàu Biển Đỏ, vì sao xuất khẩu dầu Nga không giảm?

Các cuộc tấn công liên tục của Houthi nhằm vào các tàu thương mại phương Tây đi qua Biển Đỏ đã khiến một loạt tàu chở dầu phải chuyển hướng.

Tình trạng này có tiếp tục diễn ra trong bối cảnh xung đột Mỹ-Houthi hiện nay trong khu vực?.

Lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố sẽ tấn công bất kỳ tàu nào liên quan đến Israel cho đến khi nhà nước Do Thái dừng các hoạt động quân sự ở Dải Gaza.

Điều này đã thúc đẩy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thành lập một chiến dịch đa quốc gia nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đỏ.

Đầu tháng 1, các lực lượng của Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công lớn nhằm vào nhiều vị trí của Houthi nhằm làm suy giảm khả năng phóng máy bay không người lái và tên lửa của Houthi vào các tàu thương mại.

Tuy nhiên, những cuộc tấn công của lực lượng vũ trang này tại Biển Đỏ không có dấu hiệu giảm bớt.

Tại sao Biển Đỏ lại quan trọng đối với việc cung cấp dầu toàn cầu?

Kênh đào Suez và eo biển Bab el-Mandeb ở hai đầu biển là những tuyến đường vận chuyển năng lượng chính. Các tàu chở dầu đến từ các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, như Iraq và Ả Rập Saudi, đi qua Biển Đỏ để đến châu Âu và xa hơn nữa.

Từ 7 đến 8 triệu thùng mỗi ngày (bpd) dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ trước đây được vận chuyển qua Biển Đỏ. Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, có tới 12% lượng xuất khẩu dầu thô toàn cầu và từ 14% đến 15% lượng xuất khẩu các sản phẩm dầu, như xăng và dầu diesel, thường đi qua Biển Đỏ.

Ước tính của Goldman Sachs (ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ), tuyến đường thay thế chính đến Biển Đỏ đi vòng quanh Châu Phi qua Mũi Hảo Vọng, kéo dài thêm khoảng hai tuần cho các chuyến đi và có khả năng tăng giá vận chuyển lên tới 1 USD/thùng đối với dầu thô và 4 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu.

Giá dầu thay đổi như thế nào?

Giá một thùng dầu thô Brent, chuẩn dầu toàn cầu và West Texas Middle, chuẩn dầu của Mỹ, hầu như không biến động kể từ khi bắt đầu căng thẳng ở Biển Đỏ.

Hiện tại, dầu thô Mỹ đang giao dịch ở mức khoảng 73 USD/thùng, so với mức giá trung bình là 82,49 USD /thùng vào năm 2023. Dầu thô Brent kỳ hạn giao dịch thấp hơn 1,4% ở mức 77,21 USD/thùng, trong khi giá dầu thô kỳ hạn West Texas Middle của Mỹ giảm 1,0%, ở mức 71,69 USD.

Homayoun Falakshahi, nhà phân tích thị trường cấp cao nói với hãng CNN: "Thị trường dầu về cơ bản không còn hào hứng như trước vì họ biết rằng hầu hết những căng thẳng này không thực sự nhất thiết dẫn đến giảm nguồn cung".

Đồng thời, ông cho rằng cuộc khủng hoảng Biển Đỏ sẽ kéo dài "trong nhiều tháng", điều này có thể đẩy giá dầu Brent lên mức 80 USD/thùng trong tương lai gần. Falakshahi không loại trừ khả năng giá có thể tăng lên tới 85 USD/thùng trong vài tuần tới và nó sẽ chỉ tăng cao hơn nếu tình hình bế tắc leo thang đáng kể.

Những công ty và tàu chở dầu nào đã định tuyến lại?

Falakshahi chỉ ra rằng mặc dù những tuần gần đây chứng kiến hàng loạt tàu chở dầu đi tuyến đường dài hơn để tránh Biển Đỏ, nhưng các tàu này vẫn tiếp cận được khách hàng của mình.

"Đây thực sự chủ yếu là một cuộc khủng hoảng trong chuỗi cung ứng, chúng tôi chưa bị mất khối lượng dầu. Bạn có một số tàu chở dầu phải đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng. Nhưng cuối cùng, khối lượng vẫn giữ nguyên", nhà phân tích khẳng định.

Trong khi đó, gã khổng lồ năng lượng Chevron của Mỹ vẫn tiếp tục vận chuyển dầu thô qua Biển Đỏ nhờ điều mà Giám đốc điều hành Michael Wirth gọi là sự hợp tác chặt chẽ của công ty ông với Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ.

Trong một diễn biến riêng biệt, tập đoàn dầu mỏ lớn Shell của Anh đã đình chỉ các chuyến hàng dầu thô qua Biển Đỏ, khoảng một tháng sau khi British Petroleum (BP) tạm dừng các chuyến vận chuyển qua khu vực.

Về phần mình, Wirth cảnh báo rằng bế tắc ở Biển Đỏ gây ra rủi ro nghiêm trọng cho dòng chảy dầu và giá có thể thay đổi nhanh chóng nếu căng thẳng tiếp tục. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên rằng dầu thô của Mỹ đang giao dịch ở mức khoảng 73 USD/thùng vì "rủi ro là rất thực tế" trong bối cảnh cuộc giao tranh giữa Mỹ và Houthi đang diễn ra ở Biển Đỏ.

Wirth lập luận: "Đó là một tình huống rất nghiêm trọng và dường như đang trở nên tồi tệ hơn. Rất nhiều dầu trên thế giới chảy qua khu vực đó và nếu nó bị cắt đứt, tôi nghĩ bạn có thể thấy mọi thứ thay đổi rất nhanh".

Vì sao xuất khẩu dầu của Nga không giảm?

Theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu mà hãng tin Bloomberg có được, dòng dầu thô của Nga không bị cản trở bởi căng thẳng ở Biển Đỏ trong bối cảnh các chuyến hàng dầu của nước này qua khu vực này tăng lên.

Dữ liệu cho thấy trong 4 tuần qua, xuất khẩu dầu thô của Nga qua Biển Đỏ đã tăng lên khoảng 3,43 triệu thùng/ngày, tăng 94.000 thùng so với các tuần trước.

Hiện dầu thô của Nga vẫn tiếp tục đi qua Biển Đỏ bất chấp các cuộc tấn công của Houthi trong khu vực. Phong trào Ansar Allah (Houthi) trước đó cam kết sẽ không nhắm mục tiêu vào các tàu của Nga và Trung Quốc.

Người phát ngôn của phong trào, Mohammed al-Bahiti, nói với nhật báo Izvestia của Nga: "Phong trào Ansar Allah đang tấn công các tàu của Mỹ và Anh ở Biển Đỏ. Đối với tất cả các quốc gia khác, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, hoạt động vận chuyển của họ đã thoát khỏi nguy hiểm trong khu vực".

Ông nhấn mạnh rằng lực lượng Houthi sẵn sàng đảm bảo sự đi lại an toàn của các tàu Nga và Trung Quốc qua Biển Đỏ.

Theo Kiên Bùi

Giáo dục và Thời đại

Trở lên trên