[How they do] Bí mật thành công của nền bóng đá có dân số bằng 1/23 thủ đô Hà Nội
Hiện quốc gia này có 25.000 cầu thủ đăng ký thi đấu chuyên nghiệp và 90 câu lạc bộ bóng đá hạng chuyên đang hoạt động, tương đương cứ 13 người thì có 2 cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp.
Tháng 4/2012, nền bóng đá Iceland, một quốc gia chỉ có 330.000 dân (Hà Nội có 7,655 triệu dân) chỉ đứng thứ 131 trên thế giới, kém cả Việt Nam xếp hạng 97. Điều này có lẽ không ngạc nhiên khi dân số là một nguồn tài nguyên quan trọng cho mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Điều trớ trêu là vào năm 2017, thành tích tệ nhất của Iceland là 23 thì Việt Nam vẫn loay hoay quanh mức 136. Thậm chí đội tuyển bóng đá Iceland đã giành vé tham dự giải bóng đá vô địch thế giới World Cup 2018, điều mà những đội tuyển bóng đá Đông Nam Á như Việt Nam vẫn mơ tới.
Vậy điều gì đã làm nên sự thay đổi bất ngờ của quốc gia vài trăm nghìn dân này trong thời gian quá ngắn như vậy?
Ít dân nhưng kinh tế phát triển
Mặc dù dân số ít nhưng nền kinh tế Iceland lại vô cùng đáng nể với GDP danh nghĩa năm 2017 đạt 23 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 67.500 USD, đứng thứ 6 trên toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp nơi đây chỉ vào khoảng 1,7% và mức lương bình quân trước thuế vào khoảng 5.000 USD/tháng.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Iceland thuộc top những nước được đánh giá cao về chất lượng sống, môi trường, xã hội…
Chính nhờ điều kiện kinh tế tốt như vậy mà Iceland dễ dàng đầu tư cho nền bóng đá nước nhà, xây những sân vận động lớn cùng đào tạo nhiều huấn luyện viên, cầu thủ cho đội tuyển.
Ít người biết rằng đến tận năm 1957, các cầu thủ bóng đá Iceland vẫn phải chơi bóng trên mặt nham thạch khô mà chẳng có nổi lấy một mặt sân cỏ tử tế. Dẫu vậy việc chơi bóng cũng là một điều khá xa xỉ khi sức gió ở đây luôn có tốc độ vào khoảng 5-15m/giây quanh năm, thậm chí lên tới 20-30m/giây vào mùa đông, gây khó khăn cho việc thi đấu.
Tuy vậy với sự đầu tư mạnh tay của chính phủ những năm gần đây, Iceland đã cho xây 179 sân bóng đúng chuẩn, nghĩa là cứ 129 cư dân thì có 1 sân bóng, tất cả chúng đều có mái che để mọi người luyện tập thi đấu trong những ngày đông khắc nghiệt. Đó là chưa kể 166 sân cỏ nhân tạo bằng nửa sân thật và hầu như tất cả các trưởng tiểu học tại Iceland đều có sân cỏ nhân tạo cho trẻ em chơi.
Không dừng lại ở đó, Iceland còn cho xây dựng hàng loạt những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ với những sân bóng trong nhà cùng tổ hợp trang thiết bị, khu vực y tế, ký túc xã… nhằm bồi dưỡng khoảng 20.000 người theo luyện tập thường xuyên tại đây, qua đó cung cấp một nguồn lực khổng lồ cho đội tuyển quốc gia.
Ngoài ra, chính phủ Iceland cũng tập trung phát triển đội ngũ huấn luyện viên để tạo môi trường phát triển tốt nhất cho tài năng trẻ. Toàn Iceland có hơn 800 huấn luyện viên lấy bằng của chuyên nghiệp của Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA), tương đương mỗi huấn luyện viên chịu trách nhiệm cho hơn 600 người dân nếu tính cả trẻ em và người già. Con số này cao hơn rất nhiều so với 1 huấn luyện viên chuyên nghiệp cho 11.000 dân tại Anh.
Hơn nữa, các huấn luyện viên được trả lương khá tốt, thậm chí những huấn luyện viên không chuyên khi hướng dẫn cho những đứa trẻ 5 tuổi cũng được trả tiền. Điều này khiến công việc huấn luyện, phát triển tài năng trẻ được chú trọng nhiều hơn.
Với mật độ dân cư thưa thớt, nền kinh tế phát triển với nhiều sân vận động và huấn luyện viên, Iceland dễ dàng đào tạo nên nhiều tài năng trẻ khi cho hầu như tất cả trẻ em tiếp cận bóng đá từ rất sớm và nuôi dưỡng chúng trong một môi trường chuyên nghiệp, đầy đủ vật chất. Thêm nữa, việc mỗi huấn luyện viên chịu trách nhiệm cho một số lượng nhất định các cầu thủ trẻ khiến họ sớm phát hiện được các tài năng cũng như đào tạo tốt hơn cho các cầu thủ trẻ.
Không dừng lại ở đó, các cầu thủ trẻ của nước này được tiếp xúc với môi trường bóng đá chuyên nghiệp từ rất sớm. Rất nhiều câu lạc bộ ở Châu Âu đã tuyển mộ những tài năng trẻ này sang thi đấu cho giải trẻ nhằm ươm mầm cho tương lai. Bên cạnh đó, nhiều cầu thủ trẻ cũng chủ động đến những lò luyện của các câu lạc bộ nổi tiếng Châu Âu nhằm tìm kiếm cơ hội cho bản thân.
Huyền thoại Viking trên sân cỏ
Mặc dù kinh tế khiến Iceland dễ dàng đầu tư mạnh tay cho bóng đá nhưng để đi đến thành công, quốc gia này đã phải có những chiến lược phù hợp. Thay vì mạnh tay chi cho giải đấu quốc nội, thuê cầu thủ ngoại hay huấn luyện viên ngoại, Iceland tập trung hơn vào nguồn nội lực quốc gia. Chính phủ nơi đây hướng đến việc đào tạo các cầu thủ trẻ, tạo nên phong trào chơi bóng cũng như xây dựng một môi trường thích hợp nhất nhằm ươm mầm những tài năng trẻ, giúp họ phát huy được hết giá trị.
Có một điều thú vị là môn thể thao được ưa thích nhất tại Iceland trước đây không phải bóng đá mà là bóng ném (handball), một phần là do điều kiện thời tiết tại đây không thích hợp chơi bóng đá ngoài trời. Tuy nhiên với chiến lược thích hợp, chính phủ Iceland đã dần biến bóng đá trở thành môn thể thao vua ở Iceland. Hiện quốc gia này có 25.000 cầu thủ đăng ký thi đấu chuyên nghiệp và 90 câu lạc bộ bóng đá hạng chuyên đang hoạt động, tương đương cứ 13 người thì có 2 cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp.
Một yếu tố nữa khiến Iceland dễ dàng thành công hơn so với các quốc gia khác là mặt bằng sức khỏe ở đây quá tốt. Người Iceland luôn lọt top 3 trong cuộc thi những người khỏe nhất thế giới, còn báo cáo y tế của OECD cho thấy người dân nơi đây có chất lượng sức khỏe thuộc hàng đầu Châu Âu. Sự tổng hòa của chất lượng y tế, giáo dục, kinh tế, môi trường sống… giúp người Iceland tự do phát huy được hết tiềm năng bản thân. Tại quốc gia này, việc chơi thể thao dù là bất kỳ môn nào dường như trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Tại Iceland, chỉ khoảng 3% số trẻ vị thành niên hút thuốc, 5% có uống rượu nhưng tỷ lệ tham gia luyện tập thể thao chuyên nghiệp lên tới 42%. Mặc dù có số dân rất ít (330.000 người) nhưng tổng huy chương tại tất cả các kỳ tham dự Olympic mùa hè của Iceland (4 huy chương) lại cao hơn Ả Rập Xê Út (92 triệu dân), Iraq (38 triệu dân) và tương đương với Việt Nam (93 triệu dân).
Bên cạnh đó, do có ít dân nên người dân Iceland khá đoàn kết. Trước khi tham dự World Cup, các cầu thủ được người thân và bạn bè gửi ảnh, thiệp mừng và cả những clip ủng hộ. Đối với họ, bóng đá không chỉ là một môn thể thao mà còn là niềm tự hào của dân tộc. Trong World Cup 2018, Iceland là quốc gia ít dân nhất lịch sử tham dự giải đấu. Trước đó kỷ lục này thuộc về Triniđa & Tobago với 1,3 triệu dân tham dự World Cup năm 2006.
Đội tuyển bóng đá và cổ động viên Iceland ăn mừng khi giành vé tham dự World Cup 2018 bằng "Viking War Chant"
Thậm chí, ngay cả huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Iceland, ông Heimir Hallgrimsson, vốn là một nha sĩ nổi tiếng với thu nhập khủng, cũng bỏ nghề để chung tay xây dựng ước mơ bóng đá cho đất nước.
Nếu như Nhật Bản khiến mọi người phải khâm phục khi cổ động viên của họ luôn hành xử đẹp, ở lại nhặt rác sau mỗi trận đấu thì trước mỗi trận đấu, đội tuyển Iceland luôn khiến cả thế giới phải chú ý với bài "Thánh ca Chiến đấu của người Viking" (Viking War Chant) để cổ động bóng đá. Những động tác vỗ tay đầy mê hoặc của họ cho thấy người Iceland không chỉ kế thừa sức khỏe và ý chí của chiến binh Viking khi xưa mà còn muốn viết tiếp nên huyền thoại Viking trên sân cỏ.
Thời Đại