HSBC nộp phạt gần 200 triệu USD, chấm dứt kỷ nguyên các ngân hàng Thụy Sĩ giúp nhà giàu trốn thuế
Ngân hàng HSBC Thuỵ Sĩ trở thành trường hợp thứ 4 trong những năm gần đây bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc che giấu tài sản cho giới nhà giàu Mỹ. Theo đó, HSBC đồng ý với thoả thuận dàn xếp và trả 192 triệu USD để kết thúc “câu chuyện” kéo dài cả thập kỷ.
- 18-09-2019Bị cáo buộc trốn thuế ở Châu Âu, Apple khẳng định đang trả thuế nhiều nhất thế giới
- 29-06-2019Sau scandal trốn thuế, tài sản của Phạm Băng Băng còn lại gì?
- 14-02-2019Ngành công nghiệp điện ảnh lớn thứ hai thế giới chao đảo sau vụ bê bối trốn thuế khiến Phạm Băng Băng phải nộp 130 triệu USD tiền phạt
Chi nhánh Thuỵ Sĩ của ngân hàng HSBC sẽ phải trả 192,4 triệu USD để dàn xếp một cáo buộc từ phía Mỹ. Theo tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ, HSBC đã tạo các tài khoản chưa được khai báo tại chi nhánh Thuỵ Sĩ, nhằm giúp giới nhà giàu Mỹ trốn thuế, che giấu số tài sản khổng lồ.
Thoả thuận của Bộ Tư pháp Mỹ với HSBC là một trong nhiều trường hợp tương tự diễn ra ở các ngân hàng có trụ sở tại Thuỵ Sĩ, UBS và Credit Suisse cũng từng vướng vào bê bối này. Họ đã phải trả hàng tỷ USD để dàn xếp và nộp phạt vì giúp giới nhà giàu Mỹ trốn thuế.
Những động thái cứng rắn của giới chức Mỹ đưa ra trong thập kỷ qua đã tạo áp lực cho Thụy Sĩ, buộc nước này phải chấm dứt những dịch vụ bí mật của ngân hàng. Dịch vụ này từ lâu cho phép các khách hàng nước ngoài giấu đi khoản tiền bên ngoài tài khoản công khai. Chính phủ Thuỵ Sĩ đã thoả thuận với nhiều quốc gia để trao đổi thông tin của các tài khoản do nước ngoài nắm giữ.
Ở vụ việc mới xảy ra gần đây nhất, Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp đơn tố cáo HSBC Thuỵ Sĩ, nhưng đồng ý huỷ bỏ trong 3 năm nếu ngân hàng này tuân thủ các điều khoản của thoả thuận. Ngân hàng này thừa nhận đã trốn thuế, lách luật của Mỹ và cố ý nộp sai tờ khai thuế liên bang trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2010.
HSBC đã che đậy khoản tiền mặt bằng nhiều cách như sử dụng các tài khoản được đặt mật danh và đánh số, điều hành các tài khoản ở các thiên đường thuế như Panama, Quần đảo Virgin của Anh và Liechtenstein. Vào thời gian cao điểm, ngân hàng này nắm giữ khoảng 1,26 tỷ USD tài sản chưa được khai báo cho các khách hàng đến từ Mỹ. Thậm chí, các "sếp" của ngân hàng này còn đi tới các thành phố để tìm kiếm khách hàng.
Ngay cả khi Bộ Tư pháp bắt đầu điều tra các ngân hàng Thuỵ Sĩ, bao gồm cả UBS, hồi năm 2008 về âm mưu trốn thuế, các công tố viên cho biết một số "sếp" của HSBC vẫn tiếp tục tìm khách hàng ở Mỹ. Các công tố viên Mỹ cho biết: "Một số nhân viên ngân hàng HSBC Thuỵ Sĩ còn hỗ trợ khách hàng đóng tài khoản để tiếp tục che giấu số tài sản ở nước ngoài."
Thoả thuận dàn xếp này đánh dấu cho sự chấm dứt cho "kỷ nguyên" của các ngân hàng Thuỵ Sĩ tạo điều kiện cho dân Mỹ trốn thuế trên quy mô lớn. Năm 2009, UBS đã phải trả 780 triệu USD tiền phạt, tiền lãi và bồi thường vì đã thực hiện hành vi tương tự. Credit Suisse trả tới 2,6 tỷ USD hồi năm 2014. Sau vụ việc của HSBC Thuỵ Sĩ, nhiều ngân hàng khác của nước này cho biết đã hợp tác với giới chức Mỹ, trao đổi với các lãnh đạo và thay đổi cách thức kinh doanh.
Giám đốc điều hành của HSBC Thuỵ Sĩ - Alex Classen, cho hay: "Giờ đây, chi nhánh Thuỵ Sĩ đã hoạt động dưới cơ chế quản lý mới. Chúng tôi đã tuân thủ các quy tắc, tăng cường khung kiểm soát và đưa ra chính sách minh bạch thuế cho khách hàng một cách toàn diện."
Năm 2017, HSBC đã trả 300 triệu euro (330,6 triệu USD) để dàn xếp một cuộc điều tra khác về việc công dân Pháp trốn thuế thông qua dịch vụ của chi nhánh Thuỵ Sĩ, sau khi một nhân viên cũ tiết lộ thông tin khách hàng.
Thao khảo Quartz, Fox Business