MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: "Tâm điểm chú ý lại dồn về châu Á"

28-07-2016 - 15:39 PM | Tài chính quốc tế

Châu Á, mà đặc biệt là Trung Quốc, vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi thời kỳ khó khăn.

Ngân hàng HSBC hôm qua (27/7) vừa có báo cáo nhận định về kinh tế châu Á, cho rằng sau khi sự kiện Brexit lắng xuống thì giờ đây nhà đầu tư lại đang quay trở lại quan tâm đến tình hình sức khỏe của khu vực, trong bối cảnh đầu tư tư nhân tại Trung Quốc đã không còn sôi động như trước và triển vọng bấp bênh của châu Âu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế châu Á.

Nếu chỉ nhìn bên ngoài, mọi việc dường như không quá tệ. Số liệu PMI tháng 6 cho thấy nhóm ngành sản xuất đã tăng nhanh trước khi diễn ra sự kiện Brexit, và GDP Trung Quốc đạt 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý hai vừa qua, cao hơn mức kỳ vọng. Trong khi đó, ước tính GDP quý II của Singapore vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại, đang liên tục phục hồi sau thời gian dài suy yếu trong quý I nhờ hiệu suất dịch vụ được cải thiện.

Tuy nhiên, châu Á vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi thời kỳ khó khăn. Tại Trung Quốc, khoảng cách giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân ngày càng lớn và với tính chất phân rẽ càng tăng đang là mối lo lắng hiện tại, với khu vực đầu tư tư nhân đang hướng về phía nam. Với thị trường bất động sản đang dần suy yếu, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện ngày một phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng nhiều hơn.

Rất may mắn, chính quyền Đại lục vẫn còn dư địa tài khóa dồi dào, nhưng vẫn rất cần một chính sách nới lỏng tài chính quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân và kiềm hãm áp lực giảm phát trong khi những cải cách dài hơi ở khu vực doanh nghiệp nhà nước có thể giúp giải quyết các vấn đề cấu trúc.

Vậy chu kỳ thương mại thì sao? Trong tháng 6, xuất khẩu bất ngờ khởi sắc toàn châu lục, nhờ tác động của hiệu ứng cơ bản và giá hàng hóa tăng cao. Số lượng đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan trong tháng Sáu – chỉ số quan trọng hàng đầu trong khu vực – giảm ít hơn nhiều so với dự đoán. Nhưng vẫn chưa có đầy đủ dấu hiệu thuyết phục chứng tỏ thương mại đang phục hồi. Tăng trưởng kinh tế EU và Anh được dự báo sẽ suy giảm trong năm 2017 nên châu Á cũng không nên kỳ vọng quá nhiều.

Tuy thị trường lao động và số liệu bán lẻ ở Mỹ đã cải thiện nhưng điều này không đồng nghĩa việc nhu cầu nhập khẩu gia tăng, do chu kỳ vốn tài sản kinh doanh cố định đang suy yếu (thực ra, đây là hiện tượng toàn cầu, hoặc ít nhất là ở khu vực G3).

Brexit: Cũng không quá tệ

Quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) của người Anh vào ngày 23/6 vừa qua vẫn chưa mang đến những hệ quả rõ ràng. Nhưng dựa trên những tác động hiện tại của cuộc trưng cầu dân ý, HSBC đưa ra vài dự báo về ảnh hưởng của Brexit đối với thị trường châu Á.

Thị trường tiền tệ sẽ là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng với đồng bảng Anh ngay lập tức giảm giá do tâm lý thị trường. Tuy nhiên, các nền kinh tế tại châu Á có thể đứng vững trước những biến động thị trường do Brexit gây ra vì kinh tế châu Á không phụ thuộc nhiều vào châu Âu. Thậm chí nếu những bất ổn do Brexit gây ra có nguy cơ lan đến châu Á, chính quyền các nước trong khu vực sẽ áp dụng những chính sách phù hợp nhằm làm dịu các ảnh hưởng.

Thương mại và đầu tư là hai kênh chính mà sự kiện Brexit có thể tác động đến các quốc gia châu Á. Đầu tiên là kênh thương mại.

Biểu đồ 1 cho thấy vận chuyển hàng hóa đến Mỹ và Trung Quốc đã giảm liên tục trong vài năm trở lại đây, trong khi vận chuyển đến EU lại tăng. Do đó HSBC lo ngại tình hình xuất khẩu đến EU, thị trường xuất khẩu mạnh nhất của châu Á tính đến nay, sẽ gặp nguy hại một khi tăng trưởng châu Âu suy yếu. Tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ 2 có thể thấy xuất khẩu đến Mỹ vẫn cao hơn EU.

Hơn nữa, như biểu đồ 3, tỷ lệ xuất khẩu đến Anh và châu Âu trên tổng sản lượng xuất khẩu đã giảm trong thập kỷ qua đối với tất cả các quốc gia ngoại trừ Trung Quốc. Tại Trung Quốc, tỷ lệ xuất khẩu đến Anh đã tăng nhẹ trong giai đoạn 2005-2015. Vì vậy, xét về xuất khẩu, châu Á không có nhiều giao thương với thị trường Anh. Không chỉ vậy trong một thập kỷ trở lại đây, châu Á đã không còn phụ thuộc nhiều vào châu Âu như trước.

Điều này cho thấy, châu Á sẽ vẫn chịu tác động của Brexit; như những gì chúng ta từng chứng kiến trước đây. Trước đợt khủng hoảng khu vực đồng Euro năm 2011, EU chiếm 16,5% thị phần xuất khẩu của châu Á nhưng sau cuộc khủng hoảng, con số này đã giảm 4 điểm phần trăm, còn 12,4% (theo ADB, 2013). Tuy nhiên, tác động sắp tới của Brexit sẽ không nghiêm trọng như lần trước vì giao thương với Anh và EU vốn đã suy giảm trong vài năm trở lại đây.

Tình hình kênh đầu tư cũng sẽ tương tự. Mặc dù tỷ lệ vốn FDI của các nước EU vào châu Á đã tăng từ 4,8% năm 2009 lên 7,4% trong năm 2014 nhưng EU vẫn chỉ là nguồn cung FDI nhỏ trong khu vực. Theo biểu đồ 4, hầu hết các quốc gia, kể cả Trung Quốc đại lục, đều không nhận lượng FDI đáng kể từ EU hay Anh. Hồng Kông và Singapore là hai trường hợp ngoại lệ duy nhất.

Tóm lại, các nền kinh tế châu Á có thể đứng vững giữa những biến động thị trường do Brexit gây ra vì kinh tế châu Á không phụ thuộc nhiều vào châu Âu. Lượng dự trữ phù hợp cũng sẽ giúp thị trường tài chính ổn định. Tuy nhiên, nếu những biến động thị trường trở nên trầm trọng và những ảnh hưởng kinh tế toàn cầu lan đến châu Á, chính quyền khu vực châu Á có thể lựa chọn những giải pháp (ví dụ như nới lỏng chính sách tiền tệ) nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực.

Bên cạnh đó HSBC cho rằng Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ lựa chọn giải pháp thay đổi chính sách chi tiêu tài chính, giúp khu vực tự tin đối mặt với tình trạng suy giảm nhu cầu trên thế giới. Cải cách hệ thống cũng là điều có ý nghĩa quan trọng.

Thu Hương

HSBC

Trở lên trên